Khởi kiện những hành vi sai phạm của công ty. Người lao động khởi kiện công ty do không đóng bảo hiểm y tê.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi. Tôi đã làm tại một công ty và đã có ký hợp đồng đã lâu từ năm 2010 đến nay là khoản 10 năm. Nhưng công ty không có đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế. Và công ty còn có rất nhiều những quy định sai phạm. Như vậy tôi có thể làm đơn kiện công ty ra tòa được không? Và tôi phải làm gì để công ty bồi thường cho tôi cũng như những công nhân khác!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ theo Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật. “
Như vậy, bạn thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động của người sử dụng lao động như sau:
“ 1. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động:
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. .”
Như vậy, về nguyên tắc, khi kí kết hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Việc công ty bạn không cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là vi phạm quy định của pháp luật.
Từ trước tới nay công ty không đóng Bảo hiểm y tế cho bạn là hoàn toàn sai, bạn có thể yêu cầu công ty chịu trách nhiệm thanh toán lại số tiền mà đáng lẽ do bên bảo hiểm thanh toán được hay không:
Khoản 1 Điều 15 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về Phương thức đóng bảo hiểm y tế như sau:
+ Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.
Khoản 3 Điều 49 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về Xử lý vi phạm như sau:
– Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
+ Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;
+ Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 49 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì bạn có quyền yêu cầu Công ty chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí cho bạn đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Giám đốc công ty, tổ chức Công đoàn để người sử dụng lao động xem xét lại hành vi không nộp tiền bảo hiểm y tế cho bạn. Hoặc bạn có thể khiếu nại lên Phòng Lao động – thương binh và xã hội cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở căn cứ theo Điều 36, 37 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp không giải quyết cho bạn hoặc giải quyết mà bạn không thấy thỏa đáng, bạn cũng có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở yêu cầu Tòa giải quyết.
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn khởi kiện (có thể dùng theo mẫu sau):
– Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (có Sao y bản chính).
– Hợp đồng lao động.
– Quyết định chấm dứt HĐ lao động hoặc quyết định sa thải, thông báo cho nghỉ việc;
– Quyết định, biên bản hòa giải của hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp quận, huyện của Hội đồng hòa giải cấp cơ sở hoặc của hội đồng trọng tài lao động thành phố đối với những trường hợp tranh chấp lao động tập thể;
– Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có);
– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).
– Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ về tư cách pháp lý như: giấy phép đầu tư, quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, giấy ủy quyền nếu người đại diện theo pháp luật không tham gia vụ kiện. Biên bản các cuộc họp xét kỷ luật nếu có;
– Thời gian giải quyết:
+Thời hạn chuẩn bị xét xử từ 2 đến 4 tháng
+Thời hạn mở phiên tòa từ 1 đến 2 tháng.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!