Không hoàn thành nhiệm vụ do nghỉ ốm đau. Nghỉ hưu theo chế độ tại Nghị định 108 về tinh giảm biên chế cần những điều kiện gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi sinh 3/1961; th.gian đóng BHXH 36 năm ( 3 năm ct Kampuchia, 15 năm trực tiếp Phòng chống sốt rét miền núi. Bị ung thư thận đã phẩu thuật cắt thận. Năm 2017 nghỉ đủ 60 ngày điều trị bệnh. Năm 2018 đã nghỉ ốm 40 ngày (thiếu 20 ngày), hiện tôi đang tiếp tục nghỉ để điều trị). Xét tôi còn thiếu 20 ngày (40/60 ngày) sẽ bổ sung sau. Hỏi: Thời điểm HĐ xét giảm biên chế năm 2018 là 09/3/2018 vậy tôi có đủ tiêu chuẩn được nghỉ theo NĐ 108 CP không. Nếu bảo lưu sang năm 2019 tôi có quá tuổi xét không? 2/ Dù sức khỏe kém nhưng 7/2017 tôi vẫn được tái bổ nhiệm hscv: 0,5 có ảnh hưởng đến việc nêu trên khg? 3/ Cách nào để được xét nghỉ theo ND 108 CP? Cảm ơn rất nhiều!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Nội dung tư vấn
Nghỉ hưu trước tuổi là một trong chính sách được áp dụng đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước mà bị tinh giản biên chế và có nguyện vọng về hưu khi đã cao tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng xác định được mình có đủ điều kiện để hưởng chính sách này hay không mà trường hợp của bạn cũng là một ví dụ. Trường hợp này, để giải quyết vấn đề của bạn, cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết theo thông tin, bạn sinh vào tháng 3/1961, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 11/2018), bạn đã 56 tuổi 9 tháng. Bạn đã đóng bảo hiểm xã hội được 36 năm, trong đó có 3 năm công tác ở Campuchia, 15 năm trực tiếp Phòng chống sốt rét ở miền núi, tuy nhiên trong thông tin bạn không nói rõ bạn làm công việc cụ thể gì nhưng bạn có thể được xác định là người lao động, là cán bộ, công chức, hoặc viên chức.
Trường hợp này, với độ tuổi là hơn 56 tuổi, và đóng 36 năm đóng bảo hiểm như trên, thì bạn có thể nghỉ hưu trước tuổi (nghỉ hưu sớm) theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP nếu bạn đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 8 của Nghị định này. Tuy nhiên, trong thông tin, bạn không nói rõ, bạn là nam hay nữ. Do vậy, khi xem xét về điều kiện để bạn nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP sẽ có các trường hợp sau:
- Trường hợp bạn là nữ:
Trường hợp bạn là nữ, với độ tuổi là hơn 56 tuổi và 36 năm đóng bảo hiểm xã hội (tại thời điểm hiện tại), thì căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6, khoản 7 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP, bạn không thuộc bất cứ trường hợp nào để nghỉ hưu trước tuổi theo diện bị tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, với độ tuổi và số năm đóng bảo hiểm xã hội này, bạn hoàn toàn có thể nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, khi bạn là người lao động, là cán bộ, công chức hoặc viên chức nữ mà từ đủ 55 tuổi trở lên và đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì bạn đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Do vậy, nếu bạn là nữ thì bạn đã đủ điều kiện để nghỉ hưu tại thời điểm hiện tại (năm 2018).
- Trường hợp bạn là nam
Trường hợp bạn là nam giới, thì theo thông tin, bạn có thể là công chức, viên chức, cán bộ, người lao động hiện đang làm việc trực tiếp Phòng chống sốt rét khu vực miền núi. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, bạn chỉ đủ điều kiện để nghỉ hưu đúng tuổi khi thuộc một trong các trường hợp:
“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
…”.
Xem xét trong trường hợp của bạn, bạn làm công việc trực tiếp Phòng chống sốt rét miền núi, nhưng trong thông tin không nói rõ, công việc cụ thể của bạn là gì, có phải là ngành nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại, hay là nặng nhọc độc hại hay không, bạn có làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên hay không. Do vậy, với độ tuổi hơn 56 tuổi, hơn 36 năm đóng bảo hiểm xã hội và là nam giới thì trường hợp này, nếu bạn không thuộc trường hợp có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hay không, có 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, hay bị nhiễm HIV/AIDS, bạn sẽ không điều kiện để nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được trích dẫn ở trên vì không đáp ứng điều kiện về độ tuổi.
Tuy nhiên, với độ tuổi là hơn 56 tuổi, và có đủ hơn 36 năm đóng bảo hiểm xã hội, làm công tác phòng chống sốt rét tại khu vực miền núi thì bạn vẫn có thể nghỉ hưu sớm theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP nếu thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và đối chiếu với thông tin của bạn thì bạn sẽ thuộc đối tượng áp dụng Nghị định 108/2014/NĐ-CP khi bạn thuộc một trong các trường hợp:
– Là cán bộ, công chức.
– Là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
– Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật.
– Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội.
Trường hợp này, khi bạn là nam giới, đã hơn 56 tuổi, đủ 36 năm đóng bảo hiểm xã hội (tại thời điểm hiện tại) và thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì trường hợp này, bạn có thể nghỉ hưu trước tuổi nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP có quy định. Cụ thể tại khoản 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP có quy định:
“Điều 8. Chính sách về hưu trước tuổi
…
2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội.”
Xem xét trong trường hợp của bạn, bạn là nam giới, hơn 56 tuổi, và có đủ 36 năm đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm hiện tại, nên căn cứ theo quy định tại khoản 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP được trích dẫn ở trên, bạn sẽ đủ điều kiện nghỉ hưu khi được xác định là đối tượng bị tinh giản biên chế. Nếu bạn không thuộc đối tượng bị tinh giản biên chế thì bạn cũng không đủ điều kiện nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Trong đó, bạn được xác định là đối tượng bị tinh giản biên chế khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2, khoản 4 Điều 1, bổ sung bởi khoản khoản 3, khoản 5 Nghị định 113/2018/NĐ-CP, cụ thể:
– Trường hợp bạn là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế Tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
“a) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
b) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;
c) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
d) Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
đ) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
e) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
g) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
h) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.”
– Trường hợp bạn là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.
– Trường hợp bạn là viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự.
– Trường hợp bạn là chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.
– Trường hợp bạn là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó.
– Trường hợp bạn là người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
– Trường hợp bạn là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm đ, e, g khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Xem xét trong trường hợp của bạn, trong thông tin, bạn không nói rõ bạn là nam hay nữ, là người lao động, hay là cán bộ, công chức, viên chức, cũng không nói rõ bạn làm ở khu vực nào, có thuộc đối tượng bị tinh giản biên chế hay không, có bị đánh giá là không hoàn thành công việc hay không.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào thông tin bạn cung cấp thì bạn bị ung thư thận, đã phẫu thuật cắt thận. Năm 2017, bạn nghỉ đủ 60 ngày để điều trị bệnh. Năm 2018, bạn cũng đã nghỉ ốm 40 ngày và hiện đang tiếp tục nghỉ để điều trị. Có thể thấy, theo thông tin, bạn đã đóng được 36 năm đóng bảo hiểm xã hội, nên nếu căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, bạn sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa 60 ngày làm việc trong 1 năm, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hàng tuần. Trường hợp này, bạn có năm 2017, bạn có số ngày nghỉ làm việc bằng số ngày nghỉ tối đa ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Còn năm 2018, bạn đã nghỉ được 40 ngày và đang tiếp tục nghỉ. Trường hợp này, bạn có thể thuộc đối tượng bị tinh giản biên chế theo quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2, khoản 4 Điều 1, bổ sung bởi khoản khoản 3, khoản 5 Nghị định 113/2018/NĐ-CP nếu năm 2018, tổng số ngày nghỉ ốm đau của bạn bằng hoặc lớn hơn 60 ngày và thời điểm xét tinh giảm biên chế thuộc vào cuối năm 2018, hoặc đầu năm 2019. Tuy nhiên, trong thông tin không nói rõ, bạn sẽ tiếp tục nghỉ ốm đau vào năm 2018 bao nhiêu ngày nữa, và thời điểm xét tinh giảm biên chế là thời điểm nào, nên chưa thể xác định bạn có thuộc đối tượng bị tinh giảm biên chế hay không, có đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi do tinh giảm biên chế hay không.
Như vậy, do thông tin không nói rõ, nên việc xác định bạn đủ điều kiện để nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của luật bảo hiểm xã hội hay nghỉ hưu sớm theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP hay không thì bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định. Cụ thể, nếu bạn là nữ thì bạn hoàn toàn đủ điều kiện nghỉ hưu đúng tuổi theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mà không cần phải nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Nếu bạn là nam, bạn chỉ có thể nghỉ hưu sớm theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP nếu được xác định là đối tượng bị tinh giản biên chế theo quy định Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2, khoản 4 Điều 1, bổ sung bởi khoản khoản 3, khoản 5 Nghị định 113/2018/NĐ-CP. Trường hợp bạn không nghỉ hưu trước tuổi vào thời điểm hiện tại (năm 2018) – khi bạn hơn 56 tuổi mà để đến năm 2019 (khi bạn hơn 57 tuổi) thì bạn cũng không bị quá độ tuổi để xem xét việc nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Đồng thời việc bạn có được tái bổ nhiệm hay không cũng không phải là căn cứ để xác định điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của bạn. Tùy vào từng trường hợp, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định bạn có thể nghỉ hưu theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP hay không.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!