Không ký hợp đồng lao động khi hết thời gian thử việc. Quy định trách nhiệm tham gia BHYT cho người lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Em đã qua thời gian thử việc và đánh giá thử việc tốt. Nhưng công ty chậm trễ kí hợp đồng và chế độ bảo hiểm/BHYT với tất cả nhân viên. Nay em gặp tai nạn gãy chân phải nhập viện mổ và điều trị theo yêu cầu bác sĩ là 3 tháng. Luật sư cho em xin tư vấn: Vậy em có được hưởng lương những ngày em phải nghỉ điều trị không. Và chế độ hưởng bảo hiểm y tế của em được giải quyết như thế nào theo đúng pháp luật. Và sổ bảo hiểm em đóng công ty cũ được 1 năm 4 tháng nhưng bị gián đoạn đến nay là 6 tháng thì có hiệu lực cho tình huống này không. E cám ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
–Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014
2.Giải quyết vấn đề:
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
Điều 29 Bộ Luật lao động 2012 quy định:
1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.
Như vậy, về nguyên tắc, sau khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong thời gian thử việc, nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận thì 2 bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Theo đó, khi hết thời gian thử việc mà công ty không ký kết hợp đồng lao động với người lao động, người lao động cũng không được thông báo kết quả thử việc và vẫn tiếp tục làm việc cho công ty, thì người lao động đương nhiên được làm việc chính thức.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về trường hợp vẫn tiếp tục làm việc sau khi kết thúc thời gian thử việc thì được làm việc chính thức sẽ tương ứng với loại hợp đồng lao động nào và trong thời hạn bao lâu?
Do đó, phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng thử việc để biết trường hợp sau khi thử việc đạt yêu cầu thì hai bên sẽ ký hợp đồng lao động loại nào, dùng thông tin này làm cơ sở xác định trách nhiệm thực hiện hợp đồng lao động được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc.
Như bạn trình bày, sau khi kết thúc thời gian thử việc công ty chậm trễ kí hợp đồng và chế độ bảo hiểm/BHYT với bạn. Như vậy công ty và bạn đã hình thành hợp đồng đã được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc, phải thực hiện đúng trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho bạn. Nay bạn gặp tai nạn gãy chân phải nhập viện mổ và điều trị theo yêu cầu bác sĩ là 3 tháng. Hiện nay, công ty không đóng bảo hiểm y tế cho bạn, bạn có thể yêu cầu công ty chịu trách nhiệm thanh toán lại số tiền mà đáng lẽ do bên bảo hiểm thanh toán
Khoản 1 Điều 15 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về Phương thức đóng bảo hiểm y tế như sau:
“1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.”
Khoản 3 Điều 49 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về Xử lý vi phạm như sau:
“3. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;
b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.”
Căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 49 trên thì bạn có quyền yêu cầu Công ty chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí cho bạn đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm. Và sổ bảo hiểm bạn đóng tại công ty cũ hiện nay không thể chi trả chế độ của bạn được.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!