Không phân phát đủ liều vắc-xin cho trẻ bị xử lý như thế nào? Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho mình xin hỏi công ty luật mình đang có một việc như sau muốn hỏi : hiện tôi công tác tại một trạm y tế trạm đó cho các cháu uống vác xin phòng bệnh tả với liều của nhà sản xuất là 1 lọ/một liều cho một cháu uống, nhưng trạm đó đã chia một lọ thành ba liều cho ba cháu sự việc trên đã báo cáo lên trung tâm y tế nhưng trung tâm y tế chỉ nói quán triệt rút kinh nghiệm, nhưng tôi thấy sự việc có hơn 300 trẻ uống vác xin một lọ chia thành ba liều cho trẻ vậy xin hỏi nếu theo pháp luật thì xử lý trạm ,trung tâm y tế như thế nào /
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Sử dụng vắc xin trong công tác phòng, chống bệnh tật là điều cần thiết và quan trọng của mỗi quốc gia. Tiêm chủng giúp con người phòng tránh được các bệnh truyền nhiễm, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Việc sử dụng vắc xin và tiêm chủng hiệu quả không những giúp cho mỗi cá nhân có một cơ thể khỏe mạnh mà còn giảm chi phí chăm sóc y tế, thời gian và công sức của gia đình. Để phát huy hiệu quả của việc sử dụng vắc xin cần tuân thủ đầy đủ nguyên tắc trong sử dụng và tiêm chủng như tiêm đúng loại, đủ liều lượng, đúng thời điểm…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế sử dụng vắc xin không đúng theo quy định như vắc xin không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không sử dụng đúng liều lượng quy định…Điều này không những làm giảm hiệu quả của vắc xin mà còn có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe của con người.
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư số 12/2014/TT-BYT quy định về liều lượng, đường dùng vắc xin như sau:
“Điều 11. Liều lượng, đường dùng vắc xin
Liều lượng, đường dùng của từng loại vắc xin phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế, nếu có bất kỳ thay đổi nào về liều lượng, đường dùng phải được Bộ Y tế cho phép và nhà sản xuất có trách nhiệm thông báo về sản phẩm của mình sản xuất cho các cơ sở tiêm chủng.”
Nguyên tắc trong sử dụng vắc xin về liều lượng, đường dùng phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế. Chẳng hạn, vắc xin sử dụng để tiêm thì không thể dụng đường uống và ngược lại. Vắc xin phải được sử dụng đúng liều lượng, kể cả liều nhắc lại thì mới phát huy hiệu quả, việc dùng thừa hoặc thiếu đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trường hợp có thay đổi về liều lượng, đường dùng thì phải được Bộ Y tế cho phép, nhà sản xuất chịu trách nhiệm cho việc thông báo về liều lượng, đường dùng đối với sản phẩm của mình với cơ sở tiêm chủng.
Trường hợp bạn đưa ra, liều dượng cho trẻ uống vắc xin phòng bệnh tả được nhà sản xuất đưa là là 01 lọ/ một liều cho một trẻ uống. Tuy nhiên, trạm y tế chia một lọ thành ba liều và cho ba cháu uống. Điều này khiến trẻ không được uống đủ liều, gây thiếu hụt vắc xin và sẽ không phát huy được hiệu quả phòng bệnh của vắc xin. Việc làm này của trạm y tế có thể xem là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quy trình tiêm chủng an toàn.
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế như sau:
“Điều 8. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm bắt buộc trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và cấp phát vắc xin, sinh phẩm y tế;
b) Không thực hiện chế độ báo cáo và lưu trữ hồ sơ sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tại cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
b) Không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn theo quy định của pháp luật;
c) Bán vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vắc xin không có số đăng ký, vắc xin đã hết hạn sử dụng.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy vắc xin đã hết hạn sử dụng đối với hành vi quy định tại Khoản 5 Điều này;
c) Buộc thu hồi vắc xin không có số đăng ký đối với hành vi quy định tại Khoản 5 Điều này.”
Theo quy định trên, cơ sở y tế không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trường hợp này nếu đã được báo cáo lên Trung tâm y tế mà không được giải quyết thì bạn có thể làm đơn tố cáo gửi đến Thanh tra Sở y tế nơi trạm y tế có trụ sở để được giải quyết.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!