Là lao động chính có phải đi cai nghiện bắt buộc không? Sử dụng ma túy nhiều lần có bị đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc không?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào luật sư! Sau đây cháu có 1 việc mong luật sư tham khảo giúp cháu ạ. Cháu ở huyện tam đảo. Vào tháng 6 âm lịnh năm 2016 cháu đi chơi với bạn bè. Và đc bạn bè cho sử dụng ma túy đá. Từ tháng 6 năm 2016 đến hôm nay nà tháng 12 năm 2017 cháu đã sử dụng ma tuy đá tổng 4 lần. Cháu đã bị công an gọi đi thử lần 1, khoảng tháng 9 năm 2016 âm lịch có dương tính ạ. Khoảng tháng 2 năm 2017 âm lịch cháu bị gọi đi thử tiếp lần 2 và có dương tính ạ. Hiện tại bây giờ nà công an huyện bảo cháu có quyết định đi cai rồi. Cháu sinh năm 1994 cháu đã có gia đình và 3 con rồi ạ. Con đầu cháu đang học lớp 1 ạ. Thứ 2 đc 4 tuổi ạ. Thứ 3 vừa tròn 1 tuổi ạ. Do hoàn cảnh gia đình cháu đặc biệt khó khăn, giờ cháu lại là lao động chính trong gia đình, nên cháu phải đi làm xa không giám làm ở nhà vì sợ bị bắt đi cai nghiện ạ. Mong luật sư xem có phương án nào để cháu được ở nhà đi làm để trang trải cuộc sống cho gia đình mà không phải đi cai nghiện lữa ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn ạ.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
Luật phòng, chống ma túy sửa đổi bổ sung 2008
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
2.Giải quyết vấn đề
Căn cứ theo Điều 28 – Luật phòng, chống ma túy sửa đổi bổ sung 2008
“1. Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
3. Người nghiện ma tuý tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
4. Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 Điều này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
Đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc được quy định như sau:
Điều 96 – Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
“1. Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận”
Căn cứ vào quy định trên, nếu như bạn chưa được giáo dục tại địa phương hoặc cai nghiện tại nhà thì Chủ tịch UBND phường sẽ không ra quyết định bắt buộc anh bạn đi cai nghiện ở trại cai nghiện tập trung. Trừ trường hợp có đơn tự nguyện cai nghiện ở các cơ sở tập trung của bạn hoặc gia đình.
Trong trường hợp bạn được giáo dục tại địa phương và cai nghiện tại nhà nhưng bạn vẫn tái phạm thì bạn sẽ bị đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Các trường hợp và thủ tục hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hướng dẫn tại Điều 18 Nghị định 221/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 18. Hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1.Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện;
b) Gia đình có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Gia đình có khó khăn đặc biệt là gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không có tài sản có giá trị để tạo thu nhập phục vụ sinh hoạt hoặc có bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con bị ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là lao động duy nhất của gia đình đó và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định không còn thì quyết định được tiếp tục thi hành.
2.Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định theo một trong các trường hợp sau đây:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện;
b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại Khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy;
Người tiến bộ rõ rệt là người tích cực lao động, học tập, tham gia các phong trào chung của địa phương, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Người lập công là người dũng cảm cứu người, cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của người khác và được Ủy ban nhân dân cấp xã khen thưởng; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị trong lao động, sản xuất, được cơ quan chức năng từ cấp tỉnh trở lên công nhận; có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được tặng giấy khen của Công an hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên.
c) Đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện”
Như bạn trình bày, hoàn cảnh của gia đình bạn đặc biệt khó khăn là trường hợp được hoãn bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng gia đình bạn cần phải được UBND xã nơi bạn đang thường trú xác nhận.
Thủ tục đề nghị hoãn miễn chấp hành quyết định:
– Hồ sơ đề nghị hoãn miễn bao gồm:
Đơn đề nghị hoãn, miễn chấp hành quyết định của người phải chấp hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
Tài liệu chứng minh thuộc diện được hoãn, miễn chấp hành quyết định theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Bộ hồ sơ đề nghị bạn gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!