Lái xe đâm chết người có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Xe ô tô dừng lòng đường không bật đèn báo hiệu dẫn đến tai nạn xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Con tôi ngồi sau xe máy và người cầm lái đâm vào đuôi xe tải đang dừng vào đêm khuya đưòng không có đèn đường xe oto dừng không bật đèn báo và ko có cảnh báo nguy hiểm . Hậu quả la người cầm lái xe may bị thương, con tôi tử vong . Vậy xin hỏi luât sư nhà xe oto co phải chiu trach nhiêm về cái chết của con tôi không . Xe oto dừng dưới lòng đường chiếm 1/3 phần đường và không có bất cứ biện pháp cảnh báo nguy hiểm nào? Kinh mong luật sư tư vấn giúp.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Luật giao thông đường bộ năm 2008
2. Giải quyết vấn đề:
Việc lưu thông phương tiện giao thông để đảm bảo an toàn là điều quan trọng nhất khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhưng hiện nay tình trạng tai nạn giao thông và nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra thường xuyên.
Như sự việc bạn trình bày con bạn ngồi sau xe máy và người cầm lái đâm vào đuôi xe tải đang dừng vao đêm khuya đường không có đèn đường xe ô tô dừng không bật đèn báo và không có cảnh báo nguy hiểm và xe ô tô dừng dưới lòng đường chiếm 1/3 phần đường và không có bất cứ biện pháp cảnh báo nguy hiểm nào. Hậu quả người cầm lái xe máy bị thương, con bạn tử vong.
Việc đỗ xe của người lái xe ô tô được xác định là hành vi dừng đỗ xe không đúng theo các quy định và gây ra tai nạn giao thông thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho người bị tai nạn theo quy định của pháp luật.
Nếu việc dừng đỗ xe của người lái xe được xác định là không vi phạm pháp luật thì không phải chịu trách nhiệm về tai nạn, vì người lái xe trên không có lỗi trong việc gây ra tai nạn. Vì vậy để xác định người lái ô tô có bị xử lý hình sự theo điều 202 Bộ luật hình sự hay không, cần xác định các yếu tố như sau:
Thứ nhất, hành vi của người điều khiển xe ô tô trong thực tế có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không?
Theo Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
“3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, gầm cầu vượt;
d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
g) Nơi dừng của xe buýt;
h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.”
Theo Điều 19 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định nêu trên và các quy định sau đây:
“1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện,trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định”.
Như vậy, Nếu theo trình bày của bạn thì người lái xe ô tô đỗ xe trên đường chiếm một phần ba (1/3) đường xe chạy nhưng không bật đèn báo hiệu dừng đỗ của xe ô tô mà không đặt biển báo nguy hiểm ở trước và sau xe là vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.
Thứ hai, hành vi của người lái xe dừng đỗ trái quy định có gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe được hiểu như thế nào? Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ người điều khiển ô tô mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dừng đỗ xe không đúng quy định gây thiệt hại cho tính mạng cho con bạn hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người lái xe máy phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự. Căn cứ theo Điều 202 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm…”.
Và theo quy định theo Điều 590, Điều 591, Bộ luật dân sự năm 2015 nếu theo kết luận cơ quan công an người điều khiển ô tô có lỗi gây ra tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường về hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác.
Trường hợp được nêu trên nếu bạn của con bạn điều khiển phương tiện giao thông tuân thủ điều khiển phương tiện giao thông đi đâm vào đuôi xe của ô tô tức đi cùng chiều dẫn đến tai nạn hậu quả con bạn chết, bạn con bạn bị thương nặng. Từ những căn cứ trên và bạn nên xem xét các căn cứ, kết luận của cơ quan điều tra về vụ tai nạn để xác minh nguyên nhân dẫn đến thiệt hại về tính mạng và sức khỏe trong vụ tai nạn để xác định trách nhiệm hình sự đối với người lái ô tô nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!