Làm mất biên bản vi phạm giao thông lỗi vượt quá tốc độ xử lý thế nào? Vi phạm giao thông chưa nộp phạt nhưng bị mất biên bản muốn lấy lại giấy phép lái xe công an đang tạm giữ phải làm thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Nhờ Luật Dương Gia tư vấn giúp! Vào khoảng tháng 8/2013, tôi chạy xe máy và vi phạm lỗi quá tốc độ 15km/h, bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt, thu giữ bằng lái tạm thời (cho đến khi nộp phạt). Nhưng vì lý do cá nhân, cho đến nay tôi chưa nộp phạt, biên bản xử phạt cũng đã mất. Xin hỏi giờ tôi muốn lấy lại bằng lái của mình có được không, nếu được thì phải làm thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý.
– Luật giao thông đường bộ 2008;
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ theo Điều 8, Điều 12 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định vượt quá tốc độ là một trong các hành vi bị cấm khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Nếu bạn điều khiển xe máy vi phạm lỗi vượt quá tốc độ 15km/h vào tháng 8/2013 thì sẽ áp dụng Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mức phạt như sau:
“Điều 9. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:
c) Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h;”
Căn cứ Điều 54 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau:
“1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 10 (mười) ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
a) Vi phạm điểm b khoản 5, điểm b, điểm c khoản 6 Điều 8;
b) Vi phạm điểm b khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 9;
c) Vi phạm điểm a khoản 6, khoản 7 Điều 10;
d) Vi phạm điểm d, điểm đ khoản 4 Điều 11 trong trường hợp người vi phạm là người dưới 16 tuổi và điều khiển phương tiện;
…2. Ngoài những trường hợp tạm giữ phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 46 và khoản 3 Điều 57 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
3. Khi phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí (nếu có) cho việc sử dụng phương tiện khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa được chở trên phương tiện bị tạm giữ.
4. Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.”
Như vậy trong trường hợp để đảm bảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền có quyền tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển, phương tiện vi phạm.
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 70/2006/NĐ-CP quy định xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ như sau:
Đối với tang vật, phương tiện đã hết thời hạn tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến giải quyết để nhận lại tang vật, phương tiện đó thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo ít nhất hai lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan người có thẩm quyền tịch thu. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai mà không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận, thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện đó theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 31 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003.
Vì vậy, bạn nên liên hệ với cơ quan đã ra quyết định tạm giữ Giấy phép lái xe để được hướng dẫn giải quyết trực tiếp.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!