Làm thế nào để đòi lại tiền khi đối tác làm ăn bỏ trốn. Khởi kiện ra tòa hay trình báo cơ quan công an để đòi lại tiền.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn dùm em. Việc cụ thể như sau. Em có làm 1 đơn hàng in ấn cho 1 anh, nhưng do quen biết nên em không làm hợp đồng kinh tế, chỉ có thỏa thuận qua mail thôi. Khi làm xong, giao hàng thì cho tới giờ là 2 năm hơn vẫn chưa trả, em có đòi nhưng lại trốn mất, gọi điện thì không nghe máy, nhắn tin thì chỉ trả lời để gửi vô tài khoản, nhưng vẩn không thấy tiền vào. Cố ý trốn tránh, không chịu trả. Vậy luật sư cho em hỏi giờ em khởi kiện để đòi lại số tiền gần 30 triệu thì thủ tục như thế nào, chi phí là bao nhiêu, thời gian bao lâu thì em có thể nhận lại toàn bộ số tiền trên. Em xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý.
– Luật trọng tài thương mại 2010.
– Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
2. Giải quyết vấn đề.
Khi giao kết hợp đồng in ấn với bên khách hàng thì về bản chất các bên đã ký kết với nhau một hợp đồng dịch vụ theo đó bên bạn thực hiện những công việc có liên quan một cách đầy đủ, phù hợp với thoả thuận, bảo quản và giao lại cho khách hàng tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện dịch vụ sau khi hoàn thành công việc. Bên cạnh đó nghĩa vụ của bên khách hàng là thanh toán tiền cung ứng dịch vụ như đã thoả thuận trong hợp đồng. Khi vi phạm hợp đồng thì các bên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi của mình:
Thứ nhất: Trách nhiệm dân sự.
Do bên sử dụng dịch vụ có hành vi vi phạm hợp đồng nên tùy thuộc vào bản chất của hợp đồng là hợp đồng thương mại hay hợp đồng dân sự thì bên cung ứng dịch vụ.
Đối với hợp đồng thương mại chủ thể phải là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh (thương nhân), hoạt động kinh doanh thương mại vì mục đích kinh doanh thu lợi nhuận thì trong trường hợp này sẽ giải quyết như sau:
Căn cứ theo Điều 74 Luật thương mại 2005 quy định về hình thức của hợp đồng dịch vụ:
“Điều 74. Hình thức hợp đồng dịch vụ
1. Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”.
Hợp đồng cung ứng dịch vụ của bạn có thể thể hiện bằng lời nói, hoặc bất cứ hình thức nào bằng văn bản. Vì vậy, khi hợp đồng in ấn của bạn và bên khách hàng thể hiện qua mail qua đó thỏa thuận tất cả các quyền và nghĩa vụ của các bên thì tại thời điểm đó, các bên đã xác lập một hợp đồng dịch vụ hợp pháp và có hiệu lực được pháp luật bảo vệ và các bên phải thực hiện đầy đủ nội dung ghi nhận trong hợp đồng. Và nếu có vi phạm bạn có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản của mình theo trình tự, thủ tục tương ứng.
Căn cứ theo Điều 317 Luật thương mại 2005 quy định về hình thức giải quyết tranh chấp:
” Điều 317. Hình thức giải quyết tranh chấp
1. Thương lượng giữa các bên.
2. Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định”.
Như vậy, để giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản của bạn thì đầu tiên pháp luật ưu tiên sự thương lượng của các bên hoặc các bên có thể thỏa thuận một cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức làm trung gian hòa giải tranh chấp này.
Nếu không thể thỏa thuận được thì tranh chấp này bạn có thể khởi kiện theo thủ tục Trọng tài hoặc Tòa án.
Giải quyết tranh chấp theo thủ tục Trọng tài:
Nếu các bên có thoả thuận trọng tài và đang trong thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì bạn sẽ phải có nghĩa vụ giải quyết
tranh chấp thông qua thủ tục Trọng tài.
– Trình tự, thủ tục khởi kiện như sau:
Bạn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, bạn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.
Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
+ Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
+ Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
+ Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
+Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
Nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của bạn. Hoặc tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, thì nếu các bên không có thoả thuận khác, thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Căn cứ theo Điều 34 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định thì Phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định. Căn cứ vào: Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên; Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài; Phí hành chính; Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp; Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.
Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.
– Giải quyết tranh chấp tại Tòa án:
Vì thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, nên tùy thuộc vào từng trường hợp và Căn cứ theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện khi tranh chấp của bạn là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại không thuộc trường hợp giải quyết tranh chấp của Tòa án nhân dân cấp huyện thì thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Bạn có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án gửi đến Tòa án. bạn có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Kèm theo đơn khởi kiện phải bạn phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, đây là điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý đơn của bạn, trường hợp vì lý do khách quan mà bạn không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì bạn phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Và trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), nếu trong trường hợp trả lại đơn, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
– Án phí: Căn cứ theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì án phí giải quyết tranh chấp bao gồm:
+ Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch: 3.000.000 đồng.
+ Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch:
Từ 60.000.000 đồng trở xuống: 3.000.000 đồng
Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% của giá trị tranh chấp.
Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.
Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng.
Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng.
Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Trường hợp thứ hai: Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng dân sự.
Nếu chủ thể tham gia hợp đồng là các cá nhân, tổ chức (có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân), tạo lập hợp đồng vì mục đích chính là tiêu dùng, lợi ích cá nhân thì hợp đồng cung ứng dịch vụ của bạn trong trường hợp này sẽ mang bản chất của một hợp đồng dân sự.
Căn cứ theo Điều 513 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng
“ Điều 513. Hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.“.
Căn cứ theo Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì hình thức của hợp đồng dịch vụ có thể giao kết bằng lời nói hoặc văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Vì vậy, tương tự như trường hợp nêu trên khi hợp đồng in ấn của bạn và bên khách hàng thể hiện qua mail qua đó thỏa thuận tất cả các quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được xác lập tại thời điểm đó và các bên phải thực hiện đầy đủ nội dung ghi nhận trong hợp đồng. Khi có vi phạm bạn có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện yêu cầu đòi lại tài sản của mình theo trình tự, thủ tục tương ứng:
Khi có vi phạm hợp đồng bạn có thể khởi kiện đòi quyền lợi theo thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối về dân sự là Tòa án nhân dân cấp huyện. Và trình tự, thủ tục án phí sẽ được thực hiện tương tự đối với trường hợp Khởi kiện tại Tòa án trong trường hợp trên.
– Khoảng thời gian giải quyết tranh chấp: Phụ thuộc vào tính chất, các tình tiết đặc thù mà từng trường hợp sẽ có được giải quyết với khoảng thời gian khác nhau.
Thứ hai: Trách nhiệm hình sự.
Như bạn cung cấp thông tin, bên sử dụng dịch vụ có hành vi trốn tránh, có thể sẽ không trả tiền cung ứng dịch vụ cho bạn nên tùy thuộc vào hành vi của bên sử dụng dịch vụ cũng như dấu hiệu của cấu thành tội phạm mà bên sử dụng dịch vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
” Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản...”.
Như vậy, khi bên sửu dụng dịch vụ có đầy đủ các dấu hiệu sau đây thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
– Chủ thể: Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi để chịu trách nhiệm hình sự.
Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Khách thể: hành vi xâm phạm quan hệ sở hữu của chủ sở hữu tài sản đối với loại tài sản đó.
– Hành vi khách quan: Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt là hành vi do có sự tín nhiệm thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản của người khác để cố ý dùng các hành vi gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Dẫn đến hậu quả chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu đối với loại tài sản đó và người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, hoặc đã bỏ trốn, hoặc không còn khả năng trả lại tài sản.
– Hành vi chủ quan: Với lỗi cố ý biết tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác và đang trong sự quản lý của họ nhưng vẫn thực hiện hành vi chiếm đoạt và mong muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình.
Như vậy, chỉ khi có hành vi gian dối, trốn tránh không thể liên lạc được với bên khách hàng và họ có mục đích chiếm đoạt số tiền cung ứng dịch vụ của bạn thì mới cấu thành tội phạm, tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn vẫn có thể liên lạc được với bên khách hàng và bên khách hàng họ có trả lời với nội dung hứa hẹn sẽ trả tiền dịch vụ thì sẽ không đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi này.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật thương mại của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật kinh doanh - thương mại qua email, bằng vản bản
- Tư vấn luật thương mại, tranh chấp thương mại trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!