Làm việc 12 giờ một ngày có vi phạm pháp luật không? Mức phạt khi vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin cám ơn văn phòng luật trước tiên, cho tôi hỏi được thắc mắc mà tôi không biết hỏi ai, xin văn phòng luật tư vấn giúp tôi. Vợ tôi có làm một xưởng may tư nhân mà đa số là những người lao động chưa đến tuổi lao động, họ không có hợp đồng lao động, họ ép người lao động làm việc từ 7h30 tới 24h mà ngày nào cũng vậy, kể cả chủ nhật cũng làm suốt đến nỗi vợ tôi làm mệt xin về sớm họ cũng không cho xin nghỉ mệt thì bị trừ 300 nghìn với từ tiền chuyên cần cả tháng tới. Muốn nhờ văn phòng tư vấn để làm sao tới được xưởng may vợ tôi làm để xem xét. Xin cám ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ là vợ bạn làm việc được bao nhiêu tháng? thời gian làm việc mà các bên thỏa thuận như thế nào?
Trường hợp vi phạm về giao kết hợp đồng lao động
Điều 16 Bộ luật lao động 2012 quy định, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được chia làm hai bản, người lao động giữ một bản, người sử dụng lao động giữ một bản. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Trường hợp của vợ bạn làm việc tại một xưởng may tư nhân thì xưởng may phải giao kết hợp đồng bằng văn bản với người lao động nếu có làm việc từ 03 tháng trở lên. Nếu công ty không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP như sau:
” Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên. “
Trường hợp vi phạm về thời giờ làm việc
Theo như bạn trình bày thì xưởng may vợ bạn làm việc hiện nay không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thời gian làm việc của người lao động là họ ép người lao động làm việc từ 7h30 tới 24 giờ mà ngày nào cũng vậy kể cả chủ nhật. Khi mệt xin nghỉ thì bị trừ ngày 300 nghìn và trừ tiền chuyên cần cả tháng. Do đó, xưởng may đó đã vi phạm các quy định của pháp luật lao động cụ thể là các quy định liên quan đến thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và ngày nghỉ hàng tuần.
Thời giờ làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động phải tuân thủ theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần, nhưng xưởng may vợ bạn lại không có quy định cụ thể thời gian làm việc là theo giờ trong ngày hay là làm việc theo tuần. Nếu làm việc theo giờ thì không được quá 8 giờ/ngày; còn nếu làm việc theo tuần thì thời gian làm việc bình thường cũng không được quá 10 giờ/ngày. Ngoài ra, việc quy định thời giờ làm việc còn phụ thuộc vào tính chất công việc người lao động thực hiện có nằm trong danh mục các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hại hay không?
Theo thông tin bạn cung cấp thì xưởng may nơi vợ bạn làm việc ép nhân viên làm việc quá thời gian quy định mỗi ngày phải làm đến 12 giờ mới được nghỉ. Hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật về thời gian làm việc đối với người lao động và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ tại khoản 11 điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:
” a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định;
b) Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật;
c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.”
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
“2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.”
Như vậy, trong trường hợp này thì xưởng may đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!