Lao động nam được hưởng chế độ thai sản như thế nào? Mức hưởng bảo hiểm thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con.
Tóm tắt câu hỏi:
Sáng nay, tôi có đọc báo và được biết vợ không có tham gia BHXH nhưng chồng có tham gia BHXH thì vẫn được hưởng chế độ thai sản là được hưởng 2 tháng tiền lương và được nghỉ 5 ngày phép nếu vợ sinh thường hoặc 7 ngày phép nếu vợ sinh mổ. Vậy, tôi đang mang thai nhưng không có tham gia BHXH ,còn hiện tại chồng tôi đang làm việc tại công ty thủy sản Minh Phú p8_ tp.cm và đang tham gia BHXH gần 1 năm. Vậy, chồng tôi có được hưởng chế độ thai san như trên không? Nếu được cần những giấy tờ gi và cần gửi đến đâu? Mong luật sư tư vấn giúp tôi! Xin cảm on.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
– Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH
2. Giải quyết vấn đề
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Đối chiếu theo điểm e Khoản 1 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội mà có vợ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản. Chế độ thai sản đối với lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội bao gồm: thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con.
*Thứ nhất, về thời gian hưởng chế độ thai sản
Theo Khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con được quy định như sau:
– 05 ngày làm việc
– 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi
– Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc
– Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Do đó, khi bạn sinh con, chồng bạn sẽ có thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản tương ứng với từng trường hợp nêu trên. Thời gian này không phụ thuộc vào việc chỉ có một mình chồng bạn tham gia bảo hiểm hay cả hai vợ chồng bạn cùng tham gia bảo hiểm.
* Thứ hai, về trợ cấp một lần khi sinh con
Căn cứ theo Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.”
Theo quy định trên, trợ cấp một lần khi sinh được chi trả cho nam giới khi chỉ có tham gia bảo hiểm xã hội. Và mức trợ cấp được hưởng là 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/07/2018 là 1.390.000 đồng/ tháng. Hai tháng trợ cấp một lần là 2.780.000 đồng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, căn cứ theo điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, điều kiện để được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Tóm lại, khi bạn sinh con chồng bạn sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản 05 ngày nếu bạn sinh thường hoặc 07 ngày nếu bạn sinh mổ, con dưới 32 tuần. Ngoài ra, chồng bạn sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con nếu đóng đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
* Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Theo khoản 4 Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ bao gồm:
– Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con
– Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi
* Thời hạn nộp hồ sơ
– Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc người lao động phải nộp hồ sơ cho doanh nghiệp
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!