Mức phạt về hành vi rẽ phải khi đang đèn đỏ và không mang theo giấy tờ xe. Xử phạt hành chính khi vi phạm luật giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Lời đầu tiên tôi xin chúc luật sư cùng gia đình sức khỏe và thành đạt Tôi có một thắc mắc xin được luật sư tư vấn Hiên tôi đang công tác tại tp thanh hóa Vừa rôi tôi có vi phạm luật an toan giao thông Lối thứ nhất tôi đã tự ý rẽ phải khi đèn đỏ khi không có biển cho phép Lỗi thư 2 tôi đã không mang giấy đăng ký xe và bảo hiểm xe Tôi lam viêc vs cảnh sát giao thông và họ đã đưa ra mức phạt cua tôi la 800k và giữ bằng 2 tháng và giư xe 1 tuần Vây tôi xin hỏi mức phạt 800k và các hình phạt đi kèm là đúng và hợp lý theo luât pháp hiện hành hay chưa Xin luật sư tư vấn cho tôi
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Tại khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
“3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.”
Theo đó, khi thấy đèn đỏ là bạn không được đi tiếp nữa nên tự ý rẽ phải khi đang đèn đỏ mà không có biển báo cho phép rẽ hay tín hiệu cho phép rẽ thì bạn đã vi phạm quy định giao thông đường bộ khi không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông. Tại điểm a khoản 5, điểm b khoản 12 Điều 5 và điểm c khoản 4, điểm b khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm h, Điểm i Khoản 3; Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 4; Khoản 5; Điểm a, Điểm b, Điểm d Khoản 6; Điểm a, Điểm c Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm đ Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm a Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng”
Do bạn không nói rõ xe bạn là xe máy hay ô tô, nếu xe bạn là xe ô tô và các xe tương tự xe ô tô thì sẽ bị phạt từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng và hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng, nếu xe bạn là xe máy và các xe tương tự xe gắn máy thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi này và hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Lỗi thứ hai là lỗi không mang giấy đăng ký xe và bảo hiểm xe. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì người lái xe khi tham gia giao thông phải có các giấy tờ sau, nếu không có là vi phạm quy định của pháp luật:
+ Đăng ký xe;
+ Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khi bạn không mang giấy phép lái xe và bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì bạn sẽ bị xử phạt. Tại điểm a, c khoản 2, điểm a khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:
“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 5, Điểm c Khoản 7 Điều này.
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này;
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;”.
Nếu xe của bạn là xe máy và các xe tương tự xe gắn máy thì sẽ bị phạt khi không có giấy phép lái xe và bảo hiểm xe từ 160.000 đồng đến 240.000 đồng, nếu là xe ô tô và tương tự xe ô tô sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng và không có hình phạt bổ sung.
Khi tổng hợp hai lỗi trên thì bạn sẽ bị phạt với mức như sau:
+ Xe máy và tương tự xe gắn máy: phạt từ 360.000 đồng đến 640.000 đồng và hình phạt bổ sung là tạm giữ giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
+ Xe ô tô và tương tự xe ô tô: phạt từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng và hình phạt bổ sung là tạm giữ giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Khi bạn không có giấy tờ theo trên và vi phạm quy định về giao thông đường bộ thì sẽ bị tạm giữ phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012:
“Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.”
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!