Mượn xe của người khác thực hiện hành vi đánh người xử lý như thế nào? Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép theo thủ tục hành chính như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
E muốn hỏi luật sư về một vụ việc trên E được mượn xe của chú e đi chơi nhưng vô tình lấy xe chú đuôi theo một người và người đó chém em bị thương Bây gời e muốn hỏi luật sư là Xe e đang bị tam giữ ở trên cơ quan công an . Em muốn hỏi là chiếc xe của em có được giả lại cho chủ sở hữu hay không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
+ Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003;
+ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống tệ nạn gia đình.
+ Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
2. Giải quyết vấn đề:
Qua những thông tin bạn cung cấp thì có thể hiểu rằng chiếc xe của chú bạn đang bị tạm giữ tại cơ quan công an do bạn sử dụng chiếc xe đó trong một vụ việc mà cơ quan công an đang tiến hành giải quyết. Bạn cần hiểu rằng, chiếc xe đang bị tạm giữ có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ việc nên phụ thuộc vào bản chất vụ việc mà việc trao trả chiếc xe được tiến hành theo một trong hai cách thức sau:
Thứ nhất, việc trao trả xe được tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự.
Như thông tin bạn cung cấp, trong quá trình điều khiển chiếc xe , bạn có đuổi theo một người và bị người đó chém. Nhìn chung, diễn biến vụ việc có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích cho người khác hoặc các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, nếu vụ việc trên thực tế được cơ quan công an xác định có các dấu hiệu tội phạm và đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các bên liên quan thì khi đó chiếc xe trở thành vật chứng trong vụ án hình sự.
Trong trường hợp này, nếu chiếc xe không thuộc sở hữu của lái xe thì sẽ được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định tại khoản 2 điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
“Điều 76. Xử lý vật chứng
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.”
Về nguyên tắc, để lấy lại tài sản của mình, chú bạn cần làm đơn yêu cầu trả lại tài sản gửi đến cơ quan có thẩm quyền tùy thuộc vào giai đoạn của việc giải quyết vụ án ( cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra; Viện Kiểm sát trong giai đoạn truy tố và Tòa án nhân dân trong giai đoạn xét xử). Sau khi nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nếu thấy việc trả lại tài sản không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu. Ngược lại, nếu xét thấy không thể trả lại tài sản ngay cho công ty bạn thì phải chờ đến khi vụ án được xét xử.
Thứ hai, vụ việc được giải quyết theo thủ tục giải quyết vi phạm hành chính.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định không có dấu hiệu tội phạm trong vụ việc trên cũng như không có tai nạn giao thông trên thực tế thì vụ việc sẽ được xử lý theo thủ tục hành chính.
Người chém bạn có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi “Xâm hại sức khỏe người khác” theo quy định tại điểm e khoản 3 điều 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Việc giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:
“Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.”
Như vậy, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!