Nghị định 165/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 165/2013/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ DANH MỤC CÁC PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ PHÁT HIỆN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng kết quả thu thập được và danh mục (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng (sau đây gọi chung là trật tự, an toàn giao thông) và bảo vệ môi trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định này.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Lạm dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ chức và cá nhân.
2. Không tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
3. Cố ý hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
4. Cản trở, hạn chế hoặc vô hiệu hóa tính năng kỹ thuật của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
5. Giao phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền quản lý, sử dụng.
6. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hoặc chưa được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.
7. Chiếm đoạt, cho, tặng, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
8. Làm sai lệch kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Chương 2.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ
Điều 4. Mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Việc mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng.
2. Việc mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm tài sản nhà nước.
3. Kinh phí mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Thẩm quyền quyết định mua sắm
a) Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Điều 5. Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:
a) Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Lực lượng Cảnh sát giao thông đường sắt được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Lực lượng Cảnh sát đường thủy được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Lực lượng thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục I (trừ máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị đánh dấu hóa chất; thiết bị ghi đo bức xạ), Mục II, Mục III, Mục IV, Mục V Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục VI Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
e) Lực lượng thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại Mục VI Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Thẩm quyền quyết định việc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng thuộc quyền quản lý của mình quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Hàng năm, căn cứ vào danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính của ngành và địa phương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gửi Bộ Tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 6. Lập, quản lý hồ sơ và báo cáo việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
2. Hồ sơ quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm: Lý lịch phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; quy trình hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; sổ theo dõi tình trạng kỹ thuật, thời gian hoạt động, mức tiêu thụ nhiên liệu; giấy chứng nhận đã qua kiểm định (nếu có); sổ giao, nhận phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
3. Hàng năm, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm kê, báo cáo số lượng, giá trị, tình hình quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 7. Bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật.
2. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 8. Điều chuyển, thu hồi, thanh lý, tiêu hủy phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Việc điều chuyển, thu hồi, thanh lý, tiêu hủy phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 9. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
2. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải tuân thủ đúng quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính.
3. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi được phê duyệt của người có thẩm quyền sau:
a) Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm;
b) Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
c) Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Điều 10. Tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Tiêu chuẩn của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:
a) Là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, thanh tra viên chuyên ngành, công chức quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này;
b) Nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
c) Được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan.
2. Người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Để tải toàn văn quy định của Nghị định 165/2013/NĐ-CP quý khách hàng vui lòng click vào nút “Download Now” phía dưới:
Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số dịch vụ luật sư nổi bật của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua email, bằng văn bản qua bưu điện
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!