Nghị định 38/2017/NĐ-CP về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn
CHÍNH PHỦ ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 38/2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ KHAI THÁC CẢNG CẠN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.
Chương l
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn tại Việt Nam, bao gồm: Tiêu chí xác định cảng cạn, kết cấu hạ tầng, dịch vụ tại cảng cạn; quản lý đầu tư xây dựng, khai thác cảng cạn; quản lý hoạt động cảng cạn; quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tại cảng cạn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2.Khu vực kiểm soát là nơi trực tiếp kiểm tra, kiểm soát việc vào, rời cảng cạn của người, phương tiện và hàng hóa.
3.Khu vực văn phòng điều hành là nơi tập trung các hoạt động hành chính, điều hành và giao dịch của các bên liên quan tại cảng cạn.
4.Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng cảng cạn.
5.Doanh nghiệp khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn (gọi tắt là cảng cạn) bao gồm chủ đầu tư hoặc người được chủ đầu tư ủy quyền hoặc cho thuê quản lý khai thác cảng cạn.
6.TEU là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Twenty foot Equivalent Unit”, là đơn vị đo của một con-ten-nơ tiêu chuẩn 20 ft(dài) x 8 ft (rộng) x 8,5 ft (cao).
7.Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
8.Phương thức vận tải có năng lực cao bao gồm các phương thức: Vận tải bằng đường thủy trên các tuyến đường thủy nội địa từ cấp lI trở lên; vận tải bằng đường sắt trên tuyến kết nối với cảng cạn; vận tải bằng đường bộ trên các tuyến đường cao tốc.
9.Tổ chức cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn là chủ đầu tư cảng cạn hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ.
Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về cảng cạn
1.Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cảng cạn; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật liên quan đến cảng cạn.
2.Xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cảng cạn.
3.Ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến cảng cạn theo quy định của pháp luật.
4.Công bố mở, đóng, tạm dừng cảng cạn.
5.Tổ chức quản lý đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng cảng cạn.
6.Tổ chức quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động của người, phương tiện và hàng hóa tại cảng cạn (kiểm tra hàng hóa, làm thủ tục hải quan, kiểm dịch, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ).
7.Quản lý về giá, phí và lệ phí đối với hoạt động khai thác cảng cạn.
8.Tổ chức thống kê các thông số, dữ liệu liên quan về cảng cạn.
9.Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cảng cạn
1.Bộ Giao thông vận tải là đầu mối giúp Chính phủ tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về cảng cạn, điều phối hoạt động liên ngành và hướng dẫn thực hiện các quy định có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.
2.Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hải quan, giá, phí lệ phí tại cảng cạn theo quy định của pháp luật.
3.Các bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn.
Điều 6. Chức năng cảng cạn
1.Nhận và gửi hàng hóa được vận chuyển bằng con-ten-nơ.
2.Đóng hàng hóa vào và dỡ hàng hóa ra khỏi con-ten-nơ.
3.Tập kết con-ten-nơ để vận chuyển đến cảng biển và các nơi khác theo quy định của pháp luật.
4.Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
5.Gom và chia hàng hóa lẻ đối với hàng hóa có nhiều chủ trong cùng con-ten-nơ.
6.Tạm chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và con-ten-nơ.
7.Sửa chữa và bảo dưỡng con-ten-nơ.
Điều 7. Tiêu chí xác định cảng cạn
1.Phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt.
2.Gắn với các hành lang vận tải chính, kết nối tới cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng.
3.Phải có ít nhất hai phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức hoặc kết nối trực tiếp với một phương thức vận tải có năng lực cao.
4.Bảo đảm đủ diện tích để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, tổ chức hữu quan và đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài; có diện tích tối thiểu 05 ha đối với các cảng cạn hình thành mới.
5.Bảo đảm yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Kết cấu hạ tầng cảng cạn
1.Kết cấu hạ tầng cảng cạn là cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư xây dựng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng cạn để thực hiện các chức năng của cảng cạn.
2.Các công trình chủ yếu thuộc kết cấu hạ tầng cảng cạn, gồm:
a) Hệ thống kho, bãi hàng hóa;
b) Các hạng mục công trình đảm bảo an ninh, trật tự tại cảng cạn và kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện vào, rời cảng cạn, như: Cổng, tường rào, thiết bị soi, chiếu, trang thiết bị giám sát, kiểm soát, thanh tra và lưu giữ của hải quan; cơ sở vật chất kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý, chất thải;
c) Bãi đỗ xe cho các phương tiện vận tải, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa và các phương tiện khác hoạt động tại cảng cạn;
d) Đường giao thông nội bộ và giao thông kết nối với hệ thống giao thông vận tải ngoài khu vực cảng cạn;
đ) Khu văn phòng bao gồm nhà điều hành, văn phòng làm việc cho các cơ quan liên quan như hải quan, kiểm dịch cùng cơ sở hạ tầng khác, như: Hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước, thông tin liên lạc
3.Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng cạn.
Điều 9. Các dịch vụ tại cảng cạn
Dịch vụ cảng cạn bao gồm các loại hình sau:
1.Các dịch vụ hỗ trợ vận tải
a) Dịch vụ bốc xếp, bao gồm bốc xếp con-ten-nơ và bốc xếp hàng hóa.
b) Dịch vụ lưu kho, lưu bãi;
c) Dịch vụ đại lý vận tải;
d) Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan;
đ) Dịch vụ kiểm đếm hàng hóa;
e) Dịch vụ gia cố, sửa chữa, vệ sinh con-ten-nơ
2.Các dịch vụ vận tải.
3.Các dịch vụ gia tăng giá trị hàng hóa: Đóng gói, phân chia, đóng gói lại, phân loại, dán nhãn, gia công, lắp ráp, kiểm định và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.
4.Các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chương lI
QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, KHAI THÁC CẢNG CẠN
Mục 1. QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẢNG CẠN
Điều 10. Công bố danh mục cảng cạn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, công bố và cập nhật hàng năm danh mục cảng cạn trên các Trang thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam.
Điều 11. Lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển cảng cạn
1.Việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch cảng cạn phải được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, quy định về trình tự lập quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, quy hoạch về xây dựng và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2.Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
a) Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn; kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn;
b) Phê duyệt quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn theo quy định;
c) Công bố công khai và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn đã được phê duyệt.
d) Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cảng cạn tại địa phương bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn đã phê duyệt.
Để tải toàn văn quy định của Nghị định 38/2017/NĐ-CP quý khách hàng vui lòng click vào nút “Download Now” phía dưới:
Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số dịch vụ luật sư nổi bật của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua email, bằng văn bản qua bưu điện
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!