Nghị định 41/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG THỦY SẢN; LĨNH VỰC THÚ Y, GIỐNG VẬT NUÔI, THỨC ĂN CHĂN NUÔI; QUẢN LÝ RỪNG, PHÁT TRIỂN RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản (sau đây viết tắt là Nghị định số 103/2013/NĐ-CP):
1. Điểm a khoản 2 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Vi phạm các quy định về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản;”
2. Điểm đ khoản 2 Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“đ) Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản;”
3. Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Chuyển giao số thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng bị thương cho cơ sở cứu hộ để chữa trị, phục hồi và thả về môi trường sống khi đủ điều kiện hoặc chuyển giao các cá thể bị chết hoặc dẫn xuất của chúng cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.”
4. Bổ sung khoản 10 vào Điều 4 như sau:
“10. Buộc tiếp tục nuôi thủy sản đến khi kết quả kiểm nghiệm dư lượng hóa chất, kháng sinh dưới mức giới hạn tối đa cho phép.”
5. Khoản 1 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, hủy hoại trái phép rạn đá ngầm, rạn san hô, bãi thực vật ngầm, rừng ngập mặn, hệ sinh cảnh khác.”
6. Tên khoản 2 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Mức phạt tiền đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, thu gom, lưu giữ san hô trái phép được quy định như sau:”
7. Khoản 4 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.”
8. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Vi phạm quy định về bảo vệ các loài thủy sản
1. Mức phạt đối với hành vi khai thác, vận chuyển, thu gom, lưu giữ thủy sản nếu khối lượng các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khai thác ngoài tự nhiên giống, loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khối lượng giống, loài thủy sản khai thác ngoài tự nhiên có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép đến dưới 30 kg;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khối lượng giống, loài thủy sản khai thác ngoài tự nhiên có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép từ 30 kg đến dưới 100 kg;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khối lượng giống, loài thủy sản khai thác ngoài tự nhiên có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép từ 100 kg đến dưới 200 kg;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khối lượng giống, loài thủy sản khai thác ngoài tự nhiên có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép từ 200 kg đến dưới 300 kg;
đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khối lượng giống, loài thủy sản khai thác ngoài tự nhiên có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép từ 300 kg đến dưới 400 kg;
e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng vượt quá mức cho phép khai thác lẫn hoặc khối lượng giống, loài thủy sản khai thác ngoài tự nhiên có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép từ 400 kg trở lên.”
2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về thời gian cấm khai thác, vùng cấm, nghề cấm khai thác theo quy định của pháp luật như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét hoặc tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc khai thác mà không sử dụng tàu cá;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;
đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa;
e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.
3. Mức phạt đối với hành vi nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy các loài thủy sinh hoang dã có nguồn gốc hợp pháp nhưng không đăng ký trại nuôi như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký trại nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo các loài thủy sinh hoang dã quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng không quy định tại các phụ lục của Công ước CITES;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký trại nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo các loài thủy sinh hoang dã quy định tại Phụ lục II và III của Công ước CITES;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký trại nuôi sinh trưởng, sinh sản và trồng cấy nhân tạo các loài thủy sinh hoang dã quy định tại Phụ lục I của Công ước CITES.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu công cụ khai thác thủy sản (trừ tàu cá) đối với trường hợp vi phạm nghề cấm khai thác quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thả số thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;
b) Buộc tổ chức, cá nhân chuyển giao số thủy sản đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;
c) Buộc tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện đăng ký trại nuôi với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.”
9. Tên Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 7. Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và danh mục loài thủy sản cấm khai thác”
10. Tên khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến, vận chuyển các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng lớn, có thứ hạng sẽ nguy cấp (VU) như sau:”
“2. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến, vận chuyển các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, có thứ hạng nguy cấp (EN), các loài thủy sinh thuộc Phụ lục II Công ước CITES như sau:”
“3. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến, vận chuyển các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, có thứ hạng rất nguy cấp (CR), các loài thủy sinh quy định tại Phụ lục I Công ước CITES hoặc loài thủy sản thuộc danh mục cấm khai thác như sau:”
11. Điểm d khoản 1 Điều 10 được sửa đổi như sau:
“d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy phép khai thác thủy sản quá hạn từ 60 ngày trở lên.”
12. Điểm d khoản 2 Điều 10 được sửa đổi như sau:
“d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy phép khai thác thủy sản quá hạn từ 60 ngày trở lên.”
13. Tên khoản 5 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“5. Mức phạt đối với hành vi hoạt động sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản về nghề khai thác, về vùng khai thác như sau:”
14. Khoản 1 Điều 12 được sửa đổi như sau:
“1. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác.”
15. Khoản 1 Điều 14 được sửa đổi như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đánh dấu ngư cụ đang được sử dụng tại ngư trường theo quy định của pháp luật hoặc vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên.”
16. Khoản 3 Điều 14 được sửa đổi như sau:
“3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại ngư cụ hoặc thiết bị khai thác thủy sản du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam để khai thác thủy sản mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.”
17. Khoản 3 Điều 15 được sửa đổi như sau:
“3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc tàu cá không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 mét nước;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 m trở lên mà không lắp máy hoặc tàu cá có lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên đến dưới 50 sức ngựa;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 50 sức ngựa đến dưới 90 sức ngựa;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 sức ngựa đến dưới 250 sức ngựa;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 250 sức ngựa đến dưới 400 sức ngựa;
e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 400 sức ngựa trở lên.”
18. Điểm a khoản 5 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Tịch thu tang vật để khai thác thủy sản và sản phẩm thủy sản khai thác đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này;”
19. Khoản 3, khoản 4 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tổ chức, cá nhân tiêu hủy chất độc, thực vật có độc tố và sản phẩm thủy sản khai thác đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;
b) Buộc tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm do chất độc, thực vật có độc tố gây ra đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.”
20. Điểm b khoản 1 Điều 19 được sửa đổi như sau:
“b) Tắt thiết bị giám sát tàu cá khi tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát đang hoạt động thủy sản trên biển.”
21. Tên khoản 2 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã quá hạn hoặc không đăng kiểm lại tàu cá theo quy định khi hoạt động thủy sản như sau:”
22. Tên khoản 3 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc sử dụng biển số không đúng với số đăng ký ghi trong giấy đăng ký, giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp như sau:”
23. Khoản 4 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc giấy xác nhận đăng ký tàu cá hoặc biển số, số đăng ký tàu cá quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động của tàu cá từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.”
24. Khoản 3 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên theo quy định hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung.”
25. Khoản 6 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng thuyền viên đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.”
26. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 26. Vi phạm các quy định về sử dụng mặt nước được giao để nuôi trồng thủy sản
1. Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng vượt quá hạn mức diện tích mặt nước được giao để nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích vượt quá đến dưới 01 ha;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu diện tích vượt quá từ 01 ha đến dưới 02 ha;
c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu diện tích vượt quá từ 02 ha trở lên.
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản mà chưa được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc không đúng vị trí ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc mặt nước được giao để nuôi trồng thủy sản.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tổ chức, cá nhân vi phạm tháo dỡ hoặc di chuyển lồng bè nuôi thủy sản, các mốc phân định ranh giới để trả lại mặt nước sử dụng vượt quá hạn mức đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc tổ chức, cá nhân vi phạm tháo dỡ hoặc di chuyển lồng, bè nuôi thủy sản để trả lại mặt nước để nuôi trồng thủy sản đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.”
27. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27. Vi phạm các quy định về sử dụng mặt nước được cho thuê để nuôi trồng thủy sản
1. Mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng vượt quá hạn mức mặt nước cho thuê để nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu diện tích vượt quá đến dưới 01 ha;
b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích vượt quá từ 01 ha đến dưới 02 ha;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích vượt quá từ 02 ha trở lên.
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê hoặc không đúng vị trí ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tổ chức, cá nhân vi phạm tháo dỡ hoặc di chuyển lồng bè nuôi thủy sản, các mốc phân định ranh giới để trả lại mặt nước sử dụng vượt quá hạn mức đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc tổ chức, cá nhân vi phạm tháo dỡ hoặc di chuyển lồng, bè nuôi thủy sản để trả lại mặt nước đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.”
28. Khoản 4 Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tổ chức, cá nhân tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong trường hợp lấy mẫu lô hàng để xét nghiệm phát hiện chỉ tiêu không đảm bảo an toàn thực phẩm;
b) Buộc tổ chức, cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong trường hợp lấy mẫu lô hàng để xét nghiệm có các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm;
c) Buộc tổ chức, cá nhân thả số thủy sản còn sống khai thác trái quy định về môi trường tự nhiên đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.”
29. Khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển tàu cá và phương tiện khác gây hại đến công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xả chất thải, nước thải không đúng nơi quy định tại khu vực cảng cá, vùng nước cảng, vùng nước khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sau:
a) Phá hủy, tháo dỡ, gây hư hại các công trình, trang thiết bị của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu;
b) Không có trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa theo quy định tại cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.”
30. Tên khoản 2 Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản, thú y, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có quyền:”
31. Tên khoản 5 Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“5. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thủy sản có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
32. Tên khoản 1 Điều 37 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Kiểm ngư viên đang thi hành công vụ có quyền:”
33. Điều 41 được sửa đổi như sau:
Để tải toàn văn quy định của Nghị định 41/2017/NĐ-CP quý khách hàng vui lòng click vào nút “Download Now” phía dưới:
Bạn cũng có thể tham khảo thêm một số dịch vụ luật sư nổi bật của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua email, bằng văn bản qua bưu điện
- Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!