Nghỉ thai sản có phải trả thẻ bảo hiểm y tế không? Điều kiện thủ tục hưởng chế độ thai sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Trân trọng kính chào LUẬT DƯƠNG GIA! Tôi cần được tư vấn nội dung như sau: Vợ tôi là giáo viên đã đóng BHXH bắt buộc liên tục được 10 năm. Hiện nay đang dạy tại một trường Dân Lập và vẫn đóng BHXH cho đến tháng 05/2018. Tháng 05/2018 là thời hạn kí hợp đồng lại với cơ sở này. Tuy nhiên, hiện tại vợ tôi đang mang thai và dự sinh vào tháng 06/2018. Do đặc thù công việc và tình trạng sức khỏe nên vợ tôi sẽ không kí lại hợp đồng và sẽ thôi việc vào tháng 05/2018. Như vậy trong thời kì nghỉ thai sản bắt đầu vào tháng 06/2018, vợ tôi có được hưởng chế độ thai sản hiện hành của BHXH không? Khi nghỉ việc sẽ bị thu hồi thẻ BHYT, vậy vợ tôi có thể mua thẻ BHYT bổ sung tiếp tục tại thời điểm trước khi sinh 1 tháng để hỗ trợ viện phí không? Nếu được giải quyết đúng luật, chúng tôi cần phải làm những thủ tục gi và đến đâu để làm thủ tục? Rất momg nhận được tư vấn của Luật sư và Xin chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
– Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014
2. Giải quyết vấn đề
– Chế độ thai sản
Theo khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản thì bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trước khi sinh con.
Theo thông tin bạn cung cấp thì vợ bạn đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm đến 5/2018 tại 1 trường dân lập, vợ bạn chấm dứt hợp đồng lao động để sinh em bé, đến tháng 6 năm 2018 thì vợ bạn sinh con. Vì vậy, trong trường hợp này vợ bạn có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản nếu sinh vào đầu tháng 6/2018 thì vợ bạn phải đóng đủ 6 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2018. Còn nếu vợ bạn sinh con từ ngày 15/6/2018 trở đi thì vợ bạn phải đóng đủ 6 tháng trở lên trong khoảng thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2018.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về mức hưởng thai sản như sau:
” 1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;”
Mức hưởng chế độ thai sản của vợ bạn là 06 lần mức bình quân tiền lương của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và một khoản trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 02 tháng tiền lương cơ sở tại tháng bạn sinh con. Lương cơ sở hiện nay là 1.300.000 đồng nên bạn được nhận 2.600.000 đồng.
Thủ tục và trình tự chế độ thai sản
Vợ bạn cần chuẩn bị:
– Sổ bảo hiểm xã hội.
– Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con
Kể từ ngày sinh con thì vợ bạn có thể nộp hồ sơ choc ơ quan bảo hiểm xã hội tại nơi cư trú nếu đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
– Chế độ bảo hiểm y tế khi vợ bạn nghỉ việc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 về phương thức đóng bảo hiểm y tế như sau:
“1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.”
Khi vợ bạn nghỉ việc thì nhà trường chỉ cần thực hiện báo giảm lao động gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội mà không cần thu lại thẻ bảo hiểm y tế và thẻ bảo hiểm y tế của vợ bạn sẽ có giá trị sử dụng đến hết tháng báo giảm lao động. Vì vậy, trường hợp của vợ bạn khi nghỉ việc thì thẻ bảo hiểm y tế của vợ bạn chỉ có giá trị sử dụng đến hết tháng báo giảm nên vợ bạn không thể đóng thêm để sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật bảo hiểm y tế năm 2008 thì mỗi người tham gia bảo hiểm y tế chỉ được cấp 1 thẻ bảo hiểm y tế làm căn cứ để hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế năm 2008.
Về vậy, sau khi thẻ bảo hiểm y tế của vợ bạn hết thời hạn, thì vợ bạn có thể tiếp tục đăng ký mua bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, giá trị sử dụng trên thẻ bảo hiểm y tế mới được nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ cũ và được thanh toán bảo hiểm y tế khi sinh con.
Do đó, nếu muốn tiếp tục được sử dụng bảo hiểm y tế, vợ bạn có thể tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình bao gồm các giấy tờ như sau:
+ Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu TK1-TS
+ Danh sách đăng ký tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình theo mẫu DK01.
+ Danh sách người tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu D03
+ Thẻ bảo hiểm y tế
+ Chứng minh nhân dân
Vợ bạn có thể mang hồ sơ này đến nộp tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, bưu điện, phòng lao động thương binh xã hội nơi có hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Như vậy, sau thẻ bảo hiểm y tế trên hết thời hạn, vợ bạn có thể tiếp tục đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, giá trị sử dụng trên thẻ bảo hiểm y tế mới được nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ cũ và được thanh toán bảo hiểm bảo hiểm y tế khi sinh con theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!