Nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè có được nghỉ bù không? Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư cho em xin hỏi trường hợp vợ em là giáo viên hiện nay đang nghỉ theo chế độ thai sản. Mà thời gian nghỉ trùng với chế độ nghỉ hè. Em muốn hỏi ngoài được hưởng chế độ thai sản ra có được hưởng chế độ hè không. Mà được hưởng thì căn cứ vào quy định nào, điều nào, khoản nào của luật.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB
2. Giải quyết vấn đề
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Căn cứ theo khoản 7, Điều 34, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
“7. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Như vậy, thời gian nghỉ 6 tháng cho chế độ thai sản bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết và ngày nghỉ hằng tuần, không trừ riêng ra để nghỉ thêm. Thời gian tính nghỉ thai sản được tính kể từ ngày chị bắt đầu nghỉ thai sản và tối đa 2 tháng trước khi sinh.
Theo thông tin chị cung cấp, chị là giáo viên do bạn không nói rõ vợ bạn là giáo viên mầm non hay giáo viên tiểu học hay trung học.
– Trường hợp vợ bạn là giáo viên mầm non: Theo thông tư 48/2011/TT-BGDĐT thời gian làm việc của vợ bạn là 42 tuần, thời gian nghỉ hè là 8 tuần và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động 2012. Như vậy, thời gian nghỉ thai sản sẽ được tính vào tổng 42 tuần làm việc trong một năm, không bao gồm thời gian nghỉ hè
– Trường hợp vợ bạn là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông thì thời gian làm việc và thời gian nghỉ hằng năm sẽ được áp dụng theo quy định của Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Theo đó, giáo viên tiểu học và trung học có thời gian làm việc là 42 tuần. Thời gian nghỉ hè là 2 tháng được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp ( nếu có). Như vậy, thời gian nghỉ thai sản đối với giáo viên trung học được tính vào tổng số 42 tuần làm việc 1 năm, không bao gồm thời gian nghỉ hè theo quy định.
Bên cạnh đó, Công văn số 1125/NGCBQLGD-CSNGCB quy định trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ Luật lao động 2012 hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 114 Bộ Luật Lao động 2012. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính.
Như vậy: nếu bạn có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hàng năm (nghỉ hè) thì sẽ được cơ sở giáo dục (trường) bố trí tiếp thời gian nghỉ hàng năm đủ 8 tuần. Trường hợp đã vào năm học mới mà Hiệu trưởng không thể bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho bạn đã nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì trường sẽ thanh toán tiền bồi dưỡng vì không bố trí được thời gian nghỉ phép theo quy định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!