Nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước? Trong thời gian thử việc muốn nghỉ việc phải làm thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Em có ký hợp đồng thử việc 1 tháng và cũng sắp hết thời gian thử việc nhưng vì có việc riêng nên em định không ký tiếp hợp đồng chính thức với công ty, em định làm đến hết ngày như trên hợp đồng đã ký. Vậy mong luật sư tư vấn cho em là em có cần báo trước cho cán bộ chủ quản không và tiền lương em sẽ được công ty thanh toán như thế nào ạ . Mong luật sư tư vấn giúp em ạ
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Thử việc có thể được xem là một giai đoạn tiền hợp đồng lao động. Tại thời điểm này, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền đánh giá nhau, đánh giá sự phù hợp của bên kia với nhu cầu lao động mà mình đặt ra. Tùy từng tính chất, mức độ phức tạp của công việc mà thời gian thử việc được ấn định khác nhau. Nếu trong thời gian này có những vấn đề phát sinh mà một trong hai bên muốn chấm dứt thỏa thuận thử việc thì phải giải quyết như thế nào?
Bạn đã ký kết với công ty một hợp đồng thử việc 01 tháng, sắp hết thời gian thử việc nhưng có việc riêng và không muốn ký tiếp hợp đồng lao động với công ty và đang thắc mắc về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng thử việc.
Căn cứ quy định tại Điều 29 Bộ luật lao động 2012 về kết thúc thời hạn thử việc:
“1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.”
Như vậy, nếu trong thời gian 01 tháng thử việc này mà bạn có căn cứ cho thấy rằng việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thì bạn có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc, tự chấm dứt hợp đồng thử việc mà không cần báo trước với công ty cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) sẽ không đặt ra với bạn, bạn vẫn được nhận đầy đủ tiền lương theo hợp đồng thử việc cho những ngày bạn đã làm việc.
Bên cạnh đó, hợp đồng thử việc thực chất cũng là một loại hợp đồng dân sự, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Nếu bạn đưa ra được lý do việc riêng hợp lý và thỏa thuận được với công ty về việc chấm dứt thử việc thì bạn sẽ không cần báo trước cho cán bộ chủ quan cũng như vẫn nhận được đầy đủ tiền lương cho những ngày đã làm việc.
Trường hợp trong quá trình thử việc 01 tháng, bạn không có căn cứ cho thấy rằng việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng và cũng không thỏa thuận được với công ty thì trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, công ty có trách nhiệm thông báo cho bạn kết quả công việc đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, công ty phải giao kết ngay hợp đồng lao động với bạn. Khi đó, bạn vẫn có quyền thỏa thuận chấp nhận hay không ký kết hợp đồng lao động chính thức:
– Nếu bạn không muốn ký hợp đồng lao động chính thức thì hợp đồng không phát sinh hiệu lực, bạn không cần báo trước về việc chấm dứt hợp đồng với công ty và vẫn được trả đủ lương những ngày làm thử;
– Nếu bạn đã ký kết hợp đồng lao động chính thức với công ty thì nếu muốn chấm dứt hợp đồng lao động, bạn phải đảm bảo thời gian báo trước theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động: Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng và ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Nếu vi phạm thời hạn báo trước này bạn sẽ được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải chịu các chế tài như sau:
- Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho công ty một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!