Người hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Quy định pháp luật về phân chia di sản thừa kế.
Người thành niên minh mẫn, sáng suốt; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép hoặc từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý có quyền thể hiện ý chí của cá nhân mình thông qua di chúc nhằm mục đích định đoạt tài sản của mình, chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Ngoài quyền chỉ định người thừa kế, phân định phần chi sản cho từng người thừa kế, di tặng một phần tài sản của mình… người lập di chúc còn có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế đối với di sản mà họ sẽ để lại.
Pháp luật Việt Nam nói chung hay Bộ luật dân sự 2015 nói riêng, ngoài việc quy định những quyền dân sự của công dân còn có những chế định được quy định hạn chế quyền của công dân nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của một số công dân khác. Quyền của người lập di chúc cũng là một trong những quyền bị hạn chế. Cụ thể, chế định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc đã tồn tại bắt đầu từ Pháp lệnh thừa kế năm 1990, qua những lần bổ sung và hoàn thiện tại Bộ luật dân sự 1995 và 2005, hiện đang có hiệu lực tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015. Chế định này bảo vệ về quyền thừa kế của một số đối tượng được hưởng di sản thừa kế mà pháp luật cho là không đủ, không có tên trong di chúc hoặc thậm chí bị truất quyền hưởng di sản thừa kế bất kể ý chí của người lập di chúc ra sao.
Vậy cụ thể, những đối tượng nào được được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và phần di sản tối thiểu mà họ được nhận là bao nhiêu?
1. Đối tượng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
Nhằm tiếp nối những truyền thống tốt đẹp, cũng như tiếp tục áp dụng phát huy những đạo lý trong quan hệ vợ chồng, quan hệ gia đình, hiếu nghĩa, dù di chúc được lập có nội dung phân chia di sản như thế nào thì Pháp luật vẫn điều chỉnh để hạn chế nội dung đó nếu nó không đảm bảo, phù hợp với việc giữ vững những đạo lý, truyền thống tốt đẹp đó. Nhưng đối tượng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nằm trong mối quan hệ gia đình, bao gồm:
– Con chưa thành niên của người lập di chúc;
– Con đã thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc;
– Cha, mẹ, vợ, chồng của người lập di chúc;
Tuy nhiên, không phải cứ những đối tượng trên thì đương nhiên được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Trừ trường hợp họ từ chối nhận di sản (không vì lý do trốn tránh nghĩa vụ về tài sản) thì dù có là con chưa thành niên hay không có khả năng lao động hay cha, mẹ, vợ chồng thì nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây họ sẽ không được hưởng di sản thừa kế, kể cả di sản thừa kế được chia theo pháp luật:
– Bị kết án về một trong những hành vi sau: cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản;
– Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Bị kết án về hành vi: cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Có một trong những hành vi sau: lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo, sửa chữa, hủy, che giấu di chúc nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Phần di sản tối thiểu mà đối tượng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được nhận:
Việc pháp luật bảo vệ quyền lợi cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc và việc họ được đương nhiên được hưởng thừa kế theo pháp luật là 2 vấn đề khác nhau. Điều 644 chỉ quy định đối với phần di sản mà người để lại di sản chia trong di chúc để những đối tượng không phụ thuộc vào nội dung di chúc được hưởng chứ không quy định đối với phần di sản chia theo di chúc mà không có hiệu lực hoặc phần di sản chia theo pháp luật. Quyền thừa kế di sản theo pháp luật là quyền của mỗi cá nhân.
Đối với phần di sản được chia theo di chúc thì căn cứ vào phần di sản đó nếu được chia theo pháp luật, những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc sẽ đương nhiên được hưởng tối thiểu là 2/3 của một phần thừa kế nếu người lập di chúc không cho những người đó hưởng hoặc chỉ được hưởng ít hơn 2/3 một phần đó. Những người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc cũng là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng thừa kế theo pháp luật. Do đó, ngoài 2/3 của suất di sản trong di chúc được chia theo pháp luật ra, nếu có phần di sản chia theo pháp luật thì những đối tượng đó vẫn được hưởng phần thừa kế theo pháp luật. Vì vậy, trong phân chia di sản thừa kế cần phân biệt thừa kế theo pháp luật với thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật thừa kế của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn luật thừa kế, tranh chấp thừa kế qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật thừa kế, tranh chấp thừa kế trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!