Người lao động tham gia BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không? Công ty chốt sổ bảo hiểm trước 4 tháng khi người lao động nghỉ việc.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn hỏi về chế độ BHXH. Hiện tại tôi đang mang thai tuần 29, trước và trong khi mang thai tôi vẫn làm việc trong một công ty may mặc ở Bình Dương. Đến 14/11 thì công ty tuyên bố phá sản nên tôi phải nghỉ việc. Nhưng công ty chỉ chốt sổ bảo hiểm đến hết tháng 6/2017, mặc dù vẫn trừ tiền bảo hiểm hàng tháng của tôi tháng 7,8,9,10. Vậy nay tôi muốn trực tiếp lên BHXH đóng tiếp 4 tháng đó để được hưởng quyền lợi thai sản không?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Thứ tự phân chia tài sản khi doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản được quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014 như sau:
– Chi phí phá sản;
– Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
– Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
– Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Như vậy, việc nộp các khoản nợ BHXH, BHYT trong thời gian tháng 7,8,9,10 là khoản được ưu tiên thứ hai trong thứ tự phân chia tài sản khi doanh nghiệp phá sản. Việc công ty không nộp các khoản về BHXH trong 4 tháng này để bảo đảm quyền lợi của bạn khi thai sản là trái với quy định của pháp luật.
Công văn 2266/BHXH-BT ghi nhận về việc chốt sổ BHXH trong trường hợp doanh nghiệp phá sản:
“Doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng trên BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động.”
Trường hợp của bạn, việc chốt sổ đến hết 6/2017 có thể là do công ty chỉ đóng BHXH tới thời điểm đó, thời gian nợ còn lại sẽ được ghi nhận bổ sung thêm sau khi BHXH thu hồi được khoản nợ từ phía công ty.
Ngược lại, nếu công ty đã hoàn thành xong thủ tục giải thể rồi và thời gian đóng của bạn trong các tháng 7,8,9,10 vẫn không được ghi nhận và pháp nhân đã không tồn tại, khoản nợ BHXH không được hoàn trả nữa thì bạn không thể tự mình đóng BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ thai sản. Bởi căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH tự nguyện có các chế độ sau:
– Hưu trí;
– Tử tuất.
Do vậy, BHXH tự nguyện không chi trả cho chế độ thai sản. Vì vậy, việc bạn tự đóng BHXH tự nguyện trong thời gian đó vẫn sẽ không đảm bảo ghi nhận thời gian đóng BHXH trong 4 tháng đó cho bạn.
Bạn cần liên lạc với cơ quan BHXH nơi công ty đó đặt trụ sở để theo dõi về quá trình đóng BHXH của mình cũng như được hướng dẫn phương án đóng bù BHXH bắt buộc thay công ty (nếu có thể) để bảo đảm quyền lợi thai sản của mình.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!