Người nước ngoài vào Việt Nam không đúng mục đích visa. Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc cần phải có giấy phép lao động không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật Sư. tôi xin hỏi Luật Sư: Trường hợp Doanh nghiệp Việt Nam sử dụng người nước ngoài để làm việc nhưng không làm thủ tục bảo lãnh theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam. Trong đó có 2 trường hợp: - Doanh nghiệp sử dụng NNN mang Thị thực Du lịch để làm việc - Doanh nghiệp sử dụng NNN mang thị thực ký hiệu DN (do 1 doanh nghiệp khác bảo lãnh) để làm việc. Vậy doanh nghiệp sử dụng NNN làm việc như vậy có vi phạm gì hay không? xử lý Doanh nghiệp theo quy định nào? Xin trân trọng chúc sức khỏe của Luật Sư và chờ đợi câu trả lời của Luật Sư.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
2.Giải quyết vấn đề
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam làm việc phải có giấy phép lao động. Giấy phép lao động là loại giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài được làm việc hợp pháp ở Việt Nam, được pháp luật lao động Việt nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Trong một số trường hợp nếu không tuân thủ những quy định về giấy phép lao động của pháp luật thì các chủ thể sẽ bị xử phạt. Theo như thông tin bạn cung cấp, hiện tại bạn đang có hai vấn đề cần giải đáp
Thứ nhất, về việc doanh nghiệp sử dụng người lao động dùng thị thực du lịch để làm việc
Theo quy định của pháp luật, khi một doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động là người nước ngoài thì phải tiến hành làm thủ tục bảo lãnh xin giấy phép lao động cho họ. Nếu người sử dụng lao động sử dụng người lao động không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ – CP:
“Điều 22. Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1. Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:
a) Làm việc nhưng không có giấy phép lao động, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
b) Sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.
2. Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng khi sử dụng từ 01 người đến 10 người;
b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng khi sử dụng từ 11 người đến 20 người;
c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng khi sử dụng từ 21 người trở lên.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Việc sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật phải có giấy phép lao động trừ những trường hợp được miễn giấy phép. Nếu người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 nếu sử dụng từ 1 người đến 10 người, phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng khi sử dụng từ 11 người đến 20 người, phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng nếu sử dụng từ 21 người trở lên
Thứ hai, về vấn đề người lao động nước ngoài đổi chỗ làm việc
Việc cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài căn cứ vào thông tin ghi trên giấy phép lao động. Khi có sự thay đổi nơi làm việc, có nghĩa là thay đổi cơ quan bảo lãnh của người lao động nước ngoài. Do đó các giấy tờ của người nước ngoài liên quan đến thủ tục hành chính làm giấy phép lao động cũng phải theo đổi theo. Nên khi người lao động đổi từ công ty này sang công ty khác làm việc, địa chỉ làm việc ghi trên giấy phép lao động thì người nước ngoài cần phải làm thủ tục cấp mới giấy phép lao động. Đồng thời phải làm thủ tục cấp mới thẻ tạm trú cho người nước ngoài do công ty mới bảo lãnh.
Theo quy định của Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2013 và Thông tư số 03/2014/TT-BLĐTBXH, nếu có sự thay đổi về địa điểm làm việc sẽ phải cấp lại giấy phép lao động cho người lao động.
”Điều 7. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động
1. Giấy phép lao động bị mất, bị hỏng.
2. Thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động đã cấp: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số hộ chiếu; địa điểm làm việc.
Địa điểm làm việc ghi trên giấy phép lao động là địa chỉ nơi người lao động nước ngoài làm việc. Thay đổi địa chỉ làm việc ghi trên giấy phép lao động là việc người lao động nước ngoài được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc toàn bộ thời gian tại chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở khác của người sử dụng lao động tại cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”
Như vậy, người lao động này thuộc vào trường hợp phải cấp lại giấy phép lao động, bên bạn vẫn làm hồ sơ xin cấp lại giấy phép lao động theo điều 14 Nghị định 11/2016/NĐ-CP bao gồm:
“Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động
1. Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
2. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
3. Giấy phép lao động đã được cấp
a) Trường hợp giấy phép lao động bị mất theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này thì phải có xác nhận của cơ quan Công an cấp xã của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này thì phải có các giấy tờ chứng minh;
c) Trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định này thì phải có giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này và một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 7 Điều 10 Nghị định này;
d) Trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì phải có văn bản chứng minh đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 hoặc Khoản 5 Điều 3 Nghị định này.
4. Giấy tờ quy định tại Khoản 3 Điều này là 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam sử dụng người lao động này vào làm việc mà không thay đổi giấy tờ cho họ người lao động thì sẽ bị xử phạt như hành vi sử dụng người lao động không có giấy phép theo quy định tại khoản 2 điều 22 Nghị định 95/2013 như đã nêu trên
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!