Nguyên tắc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại. Cách thức xác định thiệt hại trong dân sự. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và ngoài hợp đồng.
Thế nào là thiệt hại? Thiệt hại bao nhiêu? Tính thiệt hại thế nào? Có những thiệt hại gì? Những thiệt hại nào phải bồi thường? …. tất cả những thắc mắc trên đều được xác định theo một nguyên tắc nhất định. Cứ có lỗi thì phải bồi thường. Vậy câu chuyện đặt ra là gì? Là xác định lỗi thế nào? Mức độ lỗi ra sao để đánh giá mức độ thiệt hại và việc bồi thường? Bài toán đó sẽ được Luật Dương Gia giải đáp trong bài viết lần này, cụ thể:
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hình thành giữa các chủ thể bất kỳ mà trong đó, người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng với mọi cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác nhau.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là quy định của pháp luật dân sự, xác định người có hành vi xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các chủ thể khác và gây ra thiệt hại thì phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
– Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Do đó, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Xét trên phương diện thực tế về mặt hình thức thì lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện hành vi gây ra thiệt hại mà khi thực hiện hành vi chủ thể biết được hành vi của mình có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác nhưng vẫn thực hiện. Và lỗi được thể hiện dưới hai dạng là lỗi cố ý và lỗi vô ý.
+ Lỗi cố ý gây thiệt hai là một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
+ Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoăc có thể ngăn cản được.
– Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phcj được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Thông thường có các loại sự kiện mà các bên không thể lường trước được, tức là nằm ngoài khả năng tính toán của các bên.
Có ba loại sự kiện bất khả kháng thường gặp nhự thiên tai, chiến tranh, quyết định chính trị hoặc có sự thay đổi về pháp luật.
– Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định .
Trong trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi mà pháp luật quy định vẫn phải bồi thường là trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải có trách nhiệm bồi thường. Do đó pháp luật cũng đã dự liệu các trường hợp gây ra thiệt hại mặc dù không có lỗi vẫn phải bồi thường nhằm bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
Như vậy, lỗi là điều kiện đầu tiên làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự phát sinh giữa các giữa các chủ thể mà trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc có nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc nghĩa vụ thi hành hợp đồng đã ký kết.
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời là nguyên tắc được thể hiện đầu tiên trong các nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm đảm bảo người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường tương xứng với toàn bộ thiệt hại đã gây ra và bồi thường kịp thời, càng nhanh càng tốt để khắc phục hậu quả . Pháp luật khuyến khích các bên đương sự tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường. Mức thỏa thuận không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Có thể hiểu rằng đây là nguyên tắc thể hiện tính nhân văn của pháp luật nước ta. Để được giảm mức bồi thường thiệt hại thì người gây ra thiệt hại phải thỏa mãn đủ hai điều kiện là có lỗi vô ý và thiệt hại gây ra quá lớn so với khả năng kinh tế của mình thì có thể căn cứ vào thực tế để xem xét.
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Với nguyên tắc này pháp luật đã dự liệu các quy định của pháp luật không thay đổi kịp theo sự thay đổi của thực tế thì trong trường hợp mức bồi thường quá thấp gây bất lợi cho người bị thiệt hại để khắc phục hậu quả gây ta hoặc mức bồi thường quá cao làm ảnh hưởng đến lợi ích của người gây ra thiệt hại.
– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Do đó, nếu bên bị thiêt hại có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì phái tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình gây ra.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, không phải mọi trường hợp trên thực tế cứ có thiệt hại thì bên gây ra thiệt hại phải bồi thường. Vì trong trường hợp vi phạm do sự kiện bất khả kháng thì bên bị ảnh hưởng nếu thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoặc do các bên có thỏa thuận khác cho bên kia thì được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!