Nhờ người khác đứng tên sở hữu căn hộ chung cư có đòi lại được không? Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, Tôi đang có thắc mắc về một vấn đề không biết có tồn tại hay không. Trường hợp của tôi Là nếu như tôi là người mua một căn hộ chung cư, nhưng để tên chủ sở hữu căn hộ cho con dâu, vì lý do cá nhân nên tôi không để tên đồng sở hữu cho cả con trai tôi hoặc tôi , nên thay vì thế có thêm một cam kết viết tay hay hình thức nào đó là nếu muốn bán cũng phải được sự đồng ý của tôi. Giống như một kiểu hợp đồng . Như vậy có được hay không? Xin luật sư tư vấn dùm.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật đất đai – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Tại khoản 2 Điều 221 và khoản 1 Điều 237 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 221. Căn cứ xác lập quyền sở hữu
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.”
Điều 237. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu
1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.
Điều 238. Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác
Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.”
Theo đó, khi chị đã chuyển quyền sở hữu cho con dâu thông qua mua bán, tặng cho thì quyền sở hữu của chị sẽ chấm dứt và xác lập quyền sở hữu của con dâu. Khi đó, con dâu chị sẽ là chủ sở hữu hợp pháp của căn hộ chung cư này và có toàn quyền quyết định. Con dâu chị sẽ có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và định đoạt tài sản này.
Tại khoản 2 Điều 32 Thông tư 19/2016/TT-BXD quy định:
“Điều 32. Điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại
2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có quyền chuyển nhượng tiếp hợp đồng này cho tổ chức, cá nhân khác khi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Chị chưa tiến hành xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nên sẽ có quyền chuyển nhượng hợp đồng này cho cá nhân khác. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này không phải là tặng cho tài sản mà là mua bán. Khi đã tiến hành chuyển nhượng thì việc chuyển nhượng sẽ hoàn tất khi con dâu chị đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mà không phụ thuộc vào thỏa thuận không được phép bán cho người khác do chị không còn là chủ sở hữu căn hộ đó nữa. Do đó, chị có thể làm thủ tục tặng cho con dâu có điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 19/2016/TT-BXD và Điều 462 của Bộ luật dân sự năm 2015 sau khi chị được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà:
“Điều 8. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ
1. Bên mua có quyền thực hiện các giao dịch như chuyển nhượng, thế chấp, cho thuê để ở, tặng cho và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật về nhà ở sau khi được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.”
“Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội…
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Theo đó, khi chị tặng cho con dâu và kèm theo điều kiện sau khi con dâu chị đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì muốn bán phải được sự đồng ý của chị. Nếu con dâu không thực hiện thì chị có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!