Nộp phạt biên bản vi phạm giao thông khi xe không chính chủ. Điều kiện độ tuổi, sức khỏe của người lái xe.
Tóm tắt câu hỏi:
Cháu gái mình học lớp 11 có điều khiễn xe máy của mình và bị giữ xe. Khi mình tới đồn công an để sử lý theo biên bản thì chú công an kêu phải có người chủ của đăng ký xe là chồng mình thới để sử phạt hành chính vì giao xe cho trẻ dưới 18 tuổi điều khiển. Nhưng chồng mình hiện đi làm xa mà cứ bắt phải có mặt để ký biên bản mới được lấy xe liệu có đúng không ạ? Anh/chị giúp em tư vấn được không ạ?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý.
– Luật giao thông đường bộ 2008
2.Giải quyết vấn đề.
Căn cứ theo Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về Tuổi, sức khỏe của người lái xe:
” Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam...”.
Như bạn đã trình bày, cháu gái bạn học lớp 11 thì cháu bạn sẽ thuộc độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Như vậy, cháu bạn chỉ đủ độ tuổi lái xa gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, nếu cháu bạn có hành vi lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
” 4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;
…”.
Bên cạnh cháu bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đủ điều kiện mà điều khiển phương tiện giao thông thì căn cứ theo điểm i khoản 1 ĐIều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Và căn cứ vào quy định chuẩn về độ tuổi của người lái xe nêu trên thì khi có hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông thì ngoài xử phạt vi phạm hành chính với chính bản thân người điều khiển phương tiện giao thông, người đứng trên giấy đăng ký xe là chồng bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo điểm đ khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định như sau:
“ 4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;
b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;
c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;
d) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng)…”.
Như vậy, khi có hành vi để cho người không đủ điều kiện về độ tuổi điều khiển xe tham gia giao thông thì chồng bạn có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Căn cứ Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định đại diện theo ủy quyền như sau:
“1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, cá nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Do đó, bạn có thể nhờ người khác nộp phạt vi phạm giao thông cho mình.
Lưu ý, trong thực tế thì đối với hợp đồng ủy quyền cần phải được công chứng theo Điều 55 Luật công chứng 2014 như sau:
“Điều 55. Công chứng hợp đồng ủy quyền
1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.”
Trong trường hợp bạn và chồng bạn không ở cùng nơi cư trú và không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì chồng bạn cần đến tổ chức hành nghề công chứng nơi chồng bạn cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền rồi chồng bạn gửi hợp đồng đó đến nơi bạn cư trú, bạn tiếp tục đến tổ chức hành nghề công chứng nơi bạn cư trú công chứng vào hợp đồng ủy quyền đó. Sau đó, bạn mới có thể nộp phạt vi phạm giao thông thay cho chồng bạn căn cứ theo hợp đồng ủy quyền đã được xác lập.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!