Ông bà nội ngăn cấm không cho cháu nội gặp mẹ. Vợ chồng ly thân mẹ chồng không cho con dâu chăm sóc cháu nội.
Tóm tắt câu hỏi:
Em nhờ luật sư tư vấn giúp em về trường hơp của em vợ chồng em kết hôn năm 2010 sau cưới chúng em đã có với nhau 1 đứa con trai vì cuôc sống của em bi dày doa không thể tiêp tục sống em đành ôm con về ngoại sau một thời gian ly thân gia đình nội cướp con em vê rồi tư đo nhiều lần ngăn cấm mẹ con em gặp nhau, không cho em quyền được chăm sóc va đưa đón con, giờ chồng em đã chết con em được 7 tuổi giờ e muốn làm đơn giành quyền nuôi con được không ạ
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2013
2. Nội dung tư vấn:
Dựa trên thông tin bạn cung cấp, do vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn nên bạn và chồng bạn đã ly thân từ lâu. Bạn đưa con về nhà ngoại sống, tuy nhiên bên nhà nội (bên nhà chồng của bạn) đã tự ý mang cháu về mà không có sự đồng ý của bạn, cũng không cho bạn chăm sóc, đưa đón, nuôi dưỡng con. Hiện nay chồng bạn đã chết và bạn muốn giành quyền nuôi con. Để giải quyết vấn đề của bạn, cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 69, Điều 71, Điều 72 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con là quyền và nghĩa vụ của cha và mẹ. Cụ thể, tại Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”
Trên cơ sở được trích dẫn ở trên, có thể thấy, việc nuôi dưỡng, chăm sóc con, đặc biệt là con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, được xác định là quyền và nghĩa vụ của cả cha và mẹ. Cha mẹ phải thương yêu, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục con để con phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức.
Xem xét trong trường hợp của bạn, cho dù vợ chồng bạn đã ly thân, ly hôn hay chồng bạn chết đi thì bạn – là mẹ của con bạn vẫn phải có quyền và nghĩa vụ chăm sóc con cái. Việc chồng bạn chết khi vợ chồng chỉ mới ly thân, theo quy định tại Điều 65 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ là căn cứ để chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa bạn và chồng bạn, chứ không làm chấm dứt đi quyền và nghĩa vụ của bạn đối với con của bạn.
Đồng thời, tại Điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định:
“Điều 104: Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu
1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
2. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.”
Trong đó, tại Điều 105 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
“Điều 105. Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em
Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 104, Điều 105 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được trích dẫn ở trên thì ông bà nội, ông bà ngoại chỉ có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi mình khi người cháu này không còn cha mẹ, hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục cháu, đồng thời người cháu này cũng không có anh, chị em đủ năng lực hành vi dân sự và đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng cháu.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, bạn – mẹ của bé chỉ bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, trong đó có quyền về chăm sóc, nuôi dưỡng con khi thuộc một trong các trường hợp:
Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
Phá tán tài sản của con;
Có lối sống đồi trụy;
Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Qua phân tích nêu trên, trong trường hợp của bạn, khi chồng của bạn chết đi thì bạn được xác định là người có quyền và nghĩa vụ đương nhiên trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con theo quy định của pháp luật. Ông bà nội chỉ được đương nhiên được quyền và nghĩa vụ chăm sóc con của bạn khi cả bạn và bố của cháu đều qua đời, hoặc bạn còn sống nhưng không đủ năng lực hành vi dân sự, không đáp ứng điều kiện để nuôi con và không có anh, chị em của cháu đủ điều kiện để nuôi dưỡng cháu. Tuy nhiên, trên cơ sở xem xét thông tin của bạn, bạn hoàn toàn đủ năng lực hành vi dân sự, cũng có điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng con và cũng không thuộc vào một trong các trường hợp bị hạn chế về quyền đối với con chưa thành niên được quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, nên bạn hoàn toàn đáp ứng điều kiện để được đương nhiên có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Hơn nữa, việc gia đình bên chồng (gia đình bên nội) nhiều lần ngăn cấm mẹ con bạn gặp nhau, ngăn cản việc thăm nom, chăm sóc con của bạn. Hành vi này của gia đình bên chồng của bạn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con của bạn. Hành vi này, ông bà nội của cháu (bố mẹ chồng của bạn) có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trên cơ sở được phân tích nêu trên, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bạn, bạn có quyền yêu cầu ông bà nội của cháu giao cháu cho bạn. Nếu họ cố tình không giao cháu cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng thì bạn có quyền khởi kiện để giành lại quyền trực tiếp nuôi con.
Như vậy, khi chồng của bạn chết, bạn là người có quyền và nghĩa vụ đương nhiên trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con, trừ trường hợp bạn không đủ năng lực hành vi dân sự hay bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu giành lại quyền trực tiếp nuôi con.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!