Phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác. Khi nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Bác cháu ngoại tình (chính miệng bác trai thừa nhận với bác gái). Mang tiền đi cho nhân tình về hành hạ bác gái cháu cả về tinh thần và thể xác ( đánh đập và dùng lời lẽ xúc phạm đến phẩm chất của bác cháu, ông bà cháu đã mất cũng bị bác lôi ra chửi bằng những từ ngữ rất vô đạo). Mặt khác bác gái cháu có ghi âm lại được cuộc nói chuyện điện thoại giữa bác trai và bồ. Cô kia xúi bác trai bỏ bác gái và bác trai đã tuyên bố sẽ làm đơn li dị. Cô kia còn Vòi tiền mua xe, mua trang sức. Trong khi cô kia cũng có gia đình và biết rõ hoàn cảnh của nhà bác gái cháu ra sao. Từ nhỏ đến lớn cháu chưa bao giờ thấy bác trai nặng lời với bác gái. Nhưng chỉ vì thời gian gần đây bác có quan hệ ngoài luồng nên như vậy. cháu muốn hỏi nếu 2 bác cháu mà li hôn. Gia đình cháu muốn kiện cô kia vì tội phá hoại hạnh phúc gia đình người khác thì gia đình cháu cần làm gì, bằng chứng như thế nào để chứng minh cô kia chính là người làm cho gia đình bác cháu đổ vỡ. Cháu mong nhận được phản hồi sớm của Luật sư. Cháu cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Nghị định 67/2015/NĐ-CP
2. Giải quyết vấn đề
Theo quy định của pháp luật thì chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chúng, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
– Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
– Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…
– Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Nếu cô gái trên không đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính tại Điều 48 Nghị định 67/2015/NĐ-CP khi hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
đ) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
e) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.”
Theo quy định của pháp luật quy định tại Điều 147 của Bộ luật hình sự năm 1999 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:
Về mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là vi phạm chế độ một vợ, một chồng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật hôn nhân và gia đình quy định; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng khỏi bị xâm hại cũng chính là giữ vững nguyên tắc của chế độ hôn nhân và gia đình.
Về mặt chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là: Người đang có vợ, có chồng hoặc người chưa có vợ, có chồng nhưng biết rõ bên kia có chồng hoặc có vợ mà vẫn kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó.
Về mặt khách quan của tội phạm
– Người phạm tội có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác trong khi đang có vợ hoặc có chồng hoặc tuy chưa có vợ, chồng nhưng biết rõ người khác đang có vợ, có chồng mà vẫn có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đó. Hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là trường hợp đôi bên trai gái hoặc đã tiến hành tổ chức đám cưới theo tục lệ hoặc đã có giấy đăng ký kết hôn hoặc tuy không đăng ký kết hôn nhưng đã chung sống với nhau, tự coi nhau là vợ chồng trước gia đình và mọi người.
– Hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác chỉ cấu thành tội khi thảo mãn một trong hai dấu hiệu sau:
+ Đã gây ra hậu quả nghiêm trong là hậu quả gây ra cho hạnh phúc gia đình của hôn nhân trước như làm cho gia đình tan vỡ dẫn đến ly hôn hoặc dẫn đến việc tự sát của người vợ
– Hành vi vi pham được tiếp tục thực hiện sau khi đã có quyết định xử phạt hành chính về hành vi này.
Về mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Do đó, nếu cô gái đó sống chung như vợ chồng với bác bạn hoặc có con chung thì nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm thì cô gái kia có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!