Quy định của pháp luật về tiền lương trong thời gian thử việc. Người sử dụng lao động giữ lương người lao động bị phạt như thế nào ?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính Gửi: Công ty Luật TNHH Dương Gia Tôi có vợ đang giảng dạy tại một trường mầm non tư thục tại thành phố Hồ Chí Minh. khi bắt đầu vào làm việc vợ tôi có 1 hợp đồng thử việc 1 tháng và hưởng và sau khi kết thúc hợp đồng thử việc 1 tháng thì được nhà trường kí hợp đồng chính thức là 1 năm. nhưng trong quá trình thử việc và chính thức nhà trường có giữ lại của vợ tôi là 02 tuần lương. và không tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc cho vợ tôi, thay vào đó nhà trường hỗ trợ 100.000 đồng. trong khi đó vợ tôi rất muốn tham gia bảo hiểm. rất mong công ty luật Dương gia giải thích cho tôi hiểu về quy định lương thử việc cũng như trợ cấp bảo hiểu nếu có? tiền tạm giữ lương của nhà trường như vậy có đúng theo quy định của nhà nước hay không? và quy chế, chế độ đối với giáo viên mầm non như vậy có hợp và đúng với quy định tuyển dụng và làm việc của người lao động hay không? Rất mong được sự giúp đỡ và giải đáp của Quý Công Ty cho tôi hiểu. XIn chân thành cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau
1. Căn cứ pháp lý
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
2. Giải quyết vấn đề
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật lao động năm 2012 về thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
– Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Ngoài ra thì tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
– Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
+ Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
+ Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
+ Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Do đó,vợ bạn đang trong thời gian thử việc, thì hợp đồng thử việc không được coi là hợp đồng lao động chính thức nên không thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu sau khi thử việc đạt yêu cầu nhà trường ký hợp đồng chính thức 1 năm với vợ bạn thì bắt buộc nhà trường phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho vợ bạn.
Ngoài ra, việc nhà trường giữ lương vợ bạn thì theo quy định tại điều 96 Bộ luật lao động như sau:
“Điều 96. Nguyên tắc trả lương
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Như vậy, trong trường hợp này nhà trường giữ lương của vợ bạn là trái với quy định của pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của mình, vợ bạn cần yêu cầu nhà trường thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn, đúng số tiền mà vợ bạn được nhận. Nếu nhà trường không giải quyết thì bạn có thể làm đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!