Quy định mới nhất về điều kiện nghỉ hưu khi suy giảm khả năng lao động. 45 tuổi đối với nữ có được giám định suy giảm khả năng lao động để về hưu không?
Tóm tắt câu hỏi:
Vợ tôi làm nghề may công nghiệp, đã tham đóng BHXH 20 năm, sang năm 2018 là đủ 45 tuổi. Vậy cho tôi xin hỏi tuổi 45 có được nghỉ hưu không nếu đi giám định sức khỏe và nếu được thì tỷ lệ sức khỏe giảm bao nhiêu % thì được. Nếu tuổi 45 không được thì bao nhiêu tuổi là được? Xin luật sư trả lời giúp chân thành cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Hưu trí (nghỉ hưu) là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội khi họ đã đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật. Do vậy, việc nghỉ hưu hay nghỉ hưu trước tuổi là mối quan tâm của nhiều người lao động. Cũng như trong trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp, vợ của bạn làm nghề may công nghiệp và cũng đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm, đủ 45 tuổi (vào năm 2018). Để xác định vợ của bạn có đủ điều kiện hưởng lương hưu hay không, cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết, vợ bạn là công nhân làm nghề may công nghiệp, mà căn cứ theo danh mục được ban hành kèm theo Quyết định 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996, thì nghề may công nghiệp là một trong những ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Về điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định:
“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
…”
Căn cứ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được trích dẫn ở trên thì vợ của bạn – lao động nữ làm công việc may công nghiệp sẽ đủ điều kiện để hưởng lương hưu khi đáp ứng điều kiện:
- Đủ 55 tuổi, và từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
- Đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ hơn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Xem xét trong trường hợp của bạn, công việc của vợ bạn là công việc may công nghiệp, và như đã phân tích, đây là một trong những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bạn cũng đã đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Mặc dù, trong thông tin bạn không nêu rõ, vợ của bạn là công việc may công nghiệp được bao nhiêu năm. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thì hiện nay (năm 2018) bạn chỉ mới đủ 45 tuổi nên bạn sẽ không đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội về việc nghỉ hưu đúng tuổi.
Trường hợp bạn là người lao động nhưng không đáp ứng về độ tuổi để hưởng lương hưu đúng tuổi theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thì trường hợp này, bạn vẫn có thể nghỉ hưu theo diện nghỉ hưu trước tuổi do bị suy giảm khả năng lao động được quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
“Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
…”
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, khi vợ của bạn là lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đã đóng từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi để nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, thì vợ của bạn vẫn có thể nghỉ hưu trước tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Nghỉ hưu vào năm 2018 thì vợ của bạn phải đáp ứng điều kiện đủ 48 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Sau đó, mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, vợ của bạn phải đáp ứng đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
- Đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Y Tế.
Xem xét trong trường hợp của bạn, mặc dù vợ của bạn đang làm ngành nghề may công nghiệp – một trong những ngành nghề độc hại, nguy hiểm, tuy nhiên bạn không nói rõ, vợ bạn làm công việc này trong thời gian bao lâu. Hiện nay (năm 2018), bạn đã đủ 45 tuổi, và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm. Trường hợp này căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được trích dẫn ở trên, thì bạn sẽ đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi khi đáp ứng điều kiện:
– Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
– Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, trên cơ sở nội dung phân tích ở trên, có thể khẳng định, khi vợ của bạn đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm, đủ 45 tuổi thì bạn vẫn có thể nghỉ hưu sau khi đi giám định xác định mức độ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên trong trường hợp bạn đã có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trường hợp bạn không thể nghỉ hưu trước tuổi dù đã làm thủ tục giám định mức độ suy giảm khả năng lao động thì vợ của bạn chỉ có thể nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi, hoặc đủ 50 tuổi trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để có sự xác định cụ thể.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!