Quy định mới nhất về thế chấp tài sản. Chế định thế chấp tài sản theo Bộ luật dân sự 2015. Hợp đồng thế chấp - Những điểm cần lưu ý.
Thế chấp tài sản – Một từ không thể phổ quát hơn trong các giao dịch có bảo đảm. Trong đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu về vốn là một nhu cầu cần thiết. Do đó, quan hệ vay tài sản là một quan hệ không thể thiếu, tuy nhiên, nó lại là loại quan hệ chứa đựng rất nhiều rủi ro. Do đó, thế chấp tài sản được coi là chiếc cầu nối, và lợi ích của bên có quyền sẽ được bảo đảm bởi tài sản thế chấp của bên có nghĩa vụ. Bạn hiểu thế chấp tài sản là như thế nào? Vì sao nó lại là một hình thức được nhiều người tin dùng?
Thế chấp tài sản trong Bộ luật dân sự 2015 được quy định tại Tiểu mục 3, Mục 3, Chương 15, bao gồm 11 điều, từ Điều 317 đến Điều 327.
Thế chấp tài sản là 1 trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự căn cứ, là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.
So với Bộ luật dân sự 2005, số lượng điều luật quy định về thế chấp tài sản đã giảm 4 điều, chỉ còn 11 điều so với 15 điều của Bộ luật dân sự 2005, tuy nhiên nội dung các quy định trong Bộ luật dân sự 2015 lại có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm đề cao nguyên tắc của Hiến pháp 2013 về việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các cam kết, thỏa thuận dân sự. Ngoài ra, việc rút ngắn số lượng điều luật còn nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện giao dịch bảo đảm để tạo điều kiện tối đa cho các bên tham gia bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Cụ thể, Bộ luật dân sự 2015 quy định về thế chấp tài sản có những điểm mới như thế nào?
1. Quy định mới về tài sản thể chấp:
Bộ luật dân sự 2005 quy định chỉ khi có thỏa thuận, tài sản gắn liền với đất mới được xem là tài sản thế chấp thì tại Bộ luật dân sự 2015 hoàn toàn khác:
Điều 318 Bộ luật dân sự 2015, tài sản thế chấp đã được bổ sung điều khoản loại trừ với trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ. Theo đó, vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp hoặc thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất cũng thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, tất nhiên là trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Quy định mới về hiệu lực của thế chấp tài sản:
Trước đây, Bộ luật dân sự 2005 không quy định về hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản. Tuy nhiên tại Bộ luật dân sự 2015, Điều 319 đã quy định riêng về vấn đề này. Theo đó, hiệu lực của hợp đồng thế chấp tài sản tính từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp thỏa thuận hoặc luật quy định khác và nó phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ thời điểm đăng ký.
3. Quy định mới về quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp:
+ Điều 321 Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung một số quyền của bên thế chấp so với quy định tại Điều 350 Bộ luật dân sự 2005, bao gồm:
– Khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác thì bên thế chấp được nhận lại giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp;
– Trường hợp tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì bên thế chấp được bán, thay thế, trao đổi tài sản đó. Theo đó, tài sản thế chấp sẽ bao gồm: quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế, tài sản được trao đổi. Bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho với trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng, nhưng phải đảm bảo giá trị của hàng hóa trong kho đúng thỏa thuận.
+ Điều 320 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thêm 5 nghĩa vụ cho bên thế chấp ngoài 4 nghĩa vụ đã quy định tại Điều 348 Bộ luật dân sự 2005, bao gồm:
– Trường hợp các bên có thỏa thuận thì bên thế chấp có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, trừ trường hợp luật có quy định khác;
– Trừ trường hợp có thỏa thuận khác thì bên thế chấp có nghĩa vụ phải sửa chữa hoặc thay thế tài sản thế chấp khác có giá trị tương đương khi tài sản thế chấp bị hư hỏng;
– Có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho bên nhận thế chấp về thực trạng tài sản thế chấp;
– Có nghĩa vụ giao tài sản thế chấp để xử lý khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc trong trường hợp bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật, cho bên nhận thế chấp;
– Trừ trường hợp tài sản thế chấp là tài sản luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc không phải là tài sản luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhưng được bên nhận thế chấp đồng ý có thể thay thế hoặc pháp luật có quy định khác thì bên thế chấp không được thay thế tài sản thế chấp.
4. Quy định mới về quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp:
+ Bên nhận thế chấp được bổ sung quyền tại Bộ luật dân sự 2015: Có quyền thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định pháp luật và trừ trường hợp luật có quy định khác thì có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận.
+ Bên nhận thế chấp được bổ sung nghĩa vụ tại Bộ luật dân sự 2015: Có nghĩa vụ thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định pháp luật. Bộ luật dân sự 2015 bãi bỏ quy định về nghĩa vụ của bên nhận thế chấp: Nghĩa vụ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xoá đăng ký trong các trường hợp xử lý, hủy bỏ, chấm dứt tài sản thế chấp.
5. Quy định mới về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và ngược lại:
Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung 2 điều luật hoàn toàn mới quy định rõ ràng, cụ thể về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất (Điều 325) và thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 326) và cách thức xử lý đối với hai trường hợp này:
+ Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất:
– Người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đấ: tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
+ Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất:
– Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!