Quy định mức phạt, truy thu tiền bảo hiểm xã hội mới nhất. Truy thu tiền bảo hiểm xã hội do trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Hiện nay, các hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp hay chính những người lao động diễn ra không ít. Tình trạng người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động, thậm chí là có thu tiền của người lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho họ diễn ra rất phổ biến. Chính hành vi này của người sử dụng lao động đã dẫn đến những hậu quả bất lợi cho người lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động về việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Sau đây, Luật Dương Gia xin cung cấp các uy định liên quan dến mức phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và truy thu bảo hiểm xã hội.
* Cơ sở pháp lý:
– Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017
1. Mức phạt hành vi vi phạm BHXH
Tùy vào mức độ vi phạm mà người lao động và người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
a) Xử phạt hành chính
Theo Điều 26,27,28 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định
– Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
+ Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
+ Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
– Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
b) Xử lý hình sự
Trước đây hành vi không đóng bảo hiểm xã hội chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính người sử dụng lao động, nhưng nay theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực 01/01/2018 đã quy định trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, pháp luật quy định cụ thể:
– Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
+ Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động phạm tội 02 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 216, Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt như sau:
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 216, Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 216, Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 216, Bộ luật hình sự 2015 thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
2. Truy thu bảo hiểm xã hội
Bên cạnh đó pháp luật quy định các trường hợp truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN
Theo Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định các trường hợp truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN như sau:
– Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:
+ Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
+ Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.
– Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
– Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.
– Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
– Điều kiện truy thu:
+ Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan BHXH thanh tra buộc truy thu;
+ Đơn vị đề nghị truy thu đối với người lao động;
+ Hồ sơ đúng đủ theo quy định tại Phụ lục 02 Quyết định 595/QĐ-BHXH;
+ Trường hợp đơn vị đề nghị truy thu cộng nối thời gian dưới 6 tháng kèm theo Mẫu D04h-TS hoặc kết luận kiểm tra, từ 06 tháng trở lên kèm kết luận thanh tra của cơ quan BHXH hoặc cơ quan thanh tra hoặc Quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền.
Doanh nghiệp cần tư vấn chính sách phù hợp trong nội quy lao động, trong hợp đồng lao động, trong thỏa ước lao động tập thể để hài hòa nhất về quy định bảo hiểm xã hội với quyền lợi người lao động, doanh nghiệp. Liên hệ Luật Dương Gia để được hướng dẫn, tư vấn chi tiết, cụ thể và hợp pháp theo chính sách mới nhất về bảo hiểm xã hội năm 2018. Tổng đài tư vấn luật bảo hiểm xã hội 1900.6998 sẵn sàng hỗ trợ 24/7.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!