Quy định về bồi thường khi chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật. Trách nhiệm bồi thường của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động sẽ thể hiện một mối quan hệ lao động. Mọi sự kiện làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đều kéo theo việc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ lao động theo hợp đồng. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một căn cứ chấm dứt quan hệ pháp luật lao động đó. Đây là một vấn đề phức tạp bởi đó là hành vi thể hiện ý chí của một bên không phụ thuộc vào ý chí của bên kia. Tuy nhiên, do trình độ và ý thức pháp luật của các bên tham gia quan hệ lao động còn hạn chế, do sự thiếu tôn trọng lợi ích của nhau mà không ít trường hợp người sử dụng lao động và người lao động đã vi phạm quy định của pháp luật đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vậy khi một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thì trách nhiệm bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như thế nào theo Bộ luật lao động 2012?
Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc và bồi thường các khoản tiền tương ứng với thiệt hại phát sinh.
Trường hợp người lao động đồng ý tiếp tục công việc, người sử dụng lao động phải trả tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và tiền bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cùng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nếu công việc hoặc vị trí được giao kết trong hợp đồng lao động đã không còn, người sử dụng lao động sẽ phải bồi thường tiền lương và tiền bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động phải thương lượng với người lao động để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp người lao động không đồng ý tiếp tục công việc, ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải bồi thường tiền lương, tiền bảo hiểm và trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. người sử dụng lao động còn phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định.
Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và được sự đồng ý của người lao động (bắt buộc), người sử dụng lao động sẽ bồi thường số tiền tương tự như trường hợp người lao động không đồng ý tiếp tục công việc nêu trên.
Đồng thời, người sử dụng lao động phải bồi thường thêm một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động bị vi phạm.
Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm thời hạn báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường cho người lao động khoản tiền lương tương ứng với những ngày không được báo trước.
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc ngay cả khi thỏa mãn điều kiện đi làm đủ thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Đồng thời, người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Khi tham gia quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động phải chấp hành những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình sử dụng lao động. Việc chi trả trợ cấp thôi việc thể hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động đã cống hiến trong quá trình làm việc tại đơn vị. Như vậy, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc vì đã không chấp hành đúng quy định của pháp luật, bên cạnh đó còn phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền theo hợp đồng lao động.
Trường hợp người lao động vi phạm về thời hạn báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Pháp luật quy định khi người lao động phải trách nhiệm thông báo trước cho người sử dụng lao động một thời gian hợp lý để người sử dụng lao động có thời gian xem xét lý do chấm dứt hợp đồng lao động, tìm kiếm người lao động mới thay thế vị trí của người lao động cũ, sắp xếp, bố trí lại nhân sự để đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Do vậy, khi người lao động không đảm bảo đúng thời hạn báo trước có thể khiến cho đơn vị bị thiệt hại nên người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Trường hợp việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động làm vi phạm hợp đồng đào tạo nghề đã ký kết trước đó, người lao động phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại chi phí đào tạo đó theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng và người lao động có thể thỏa thuận về việc ký hợp đồng đào tạo nghề cho người lao động từ kinh phí của người sử dụng lao động. Trong hợp đồng lao động hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về nghề đào tạo, địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo, chi phí đào tạo, trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo,… Như vậy, khi người sử dụng lao động đã bỏ ra chi phí để đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động với mục đích sau khi được đào tạo thì người lao động sẽ phải làm việc cho người sử dụng lao động trong một thời gian dài, áp dụng những gì đã được học, được đào tạo vào công việc để hoạt động của đơn vị tốt hơn, phát triển hơn. Do đó, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật tức là đã vi phạm hợp đồng đào tạo nên người lao động sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!