Quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Chủ sở hữu động vật có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoàn cảnh nào?
Hiện nay, mặc dù nền kinh tế của nước ta ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng về cơ bản nước ta vẫn là nền kinh tế thuần nông, nền nông nghiệp vẫn chiếm ưu thế trong nền kinh tế và đang phát triển ngành chăn nuôi. Trong thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội của con người thường sản xuất kinh doanh chăn nuôi các con vật như trâu, bò, lơn, gà, vịt, chó…. Tuy nhiên do bản tính tự nhiên hoặc do lỗi quản lý của con người mà súc vật có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản cho chính con người. Vì vậy,ai sẽ là người bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
Điều 603 Bộ luật dân sự 2015
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là một trong các trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tức là thiệt hại xảy ra không nằm trong mong muốn của các bên chủ thể.
2. Nguyên tắc bồi thường do súc vật gây ra
Trên thực tế cho thấy trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức với tư cách là chủ sở hữu của súc vật, người chiếm hữu, sử dụng súc vật hoặc người thứ ba trong việc bồi thường những thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
– Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp súc vật trong quá trình chiếm hữu, quản lí, sử dụng có lỗi khiến cho súc vật do họ chiếm hữu, quản lí, sử dụng gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Lỗi của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp súc vật được xác định theo nguyên tắc suy đoán là có lỗi, tức là khi thiệt hại xảy ra, họ bị xác định là có lỗi trừ trường hợp họ chứng minh được là mình không có lỗi. Lỗi của họ có thể xuất phát từ nhiều hành vi, động cơ khác nhau như:
+ Chăn thả súc vật ở những nơi cấm chăn thả gia súc: đường phố, công viên, khu công nghiệp, khu dân cư, trường học…. và việc chăn thả đã đó đã gây thiệt hại;
+ Không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng không tốt, không đúng kỹ thuật các biện pháp quản lý, cầm giữ súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại, ví dụ: không cột giữ trâu bò khi chăn thả ngoài cánh đồng làm trâu bò tự do đi lại dẫn nát ruộng vườn của chủ thể khác.
Chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp không phải chịu trách nhiệm dân sự khi súc vật gây ra thiệt hại do không có lỗi trong việc quản lý và hoàn toàn do sự kiện bất khả kháng.
– Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
+ Người thứ ba có thể là cá nhân, tổ chức không phải là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người chiếm hữu, sử dụng gia súc trái pháp luật, nhưng họ đã thực hiện một hoặc nhiều hành vi trên thực tế làm cho gia súc gây thiệt hại cho người khác.
+ Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật, người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại để chịu trách nhiệm dân sự trong trường hợp súc vật gây thiệt hại. Việc xác định lỗi cũng mang tính chất suy đoán như xác định trách nhiệm của chủ sở hữu , người chiếm hữu hợp pháp súc vật.
– Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật còn phải chịu trách nhiệm hoàn trả súc vật nếu có và trong trường hợp đó người thứ ba có lỗi để súc vật gây thiệt hại cho súc vật gây thiệt hại cho người khác mà gây thiệt hại cho súc vật của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thì phải bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Có thể hiểu phong tục tập quán là những nếp sống, phong tục do những người sống trong xã hội tự đặt ra, nó được áp dụng vào đời sống và phục vụ cho mọi người nhưng không mang tính chất vi phạm pháp luật, phong tục cũng dần được thay đổi khác đi để phù hợp với đời sống hiện tại của từng thời kỳ.
Do đó tập quán rất đa dạng và phong phú, để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và trong giải quyết bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Phong tục, tập quán được áp dụng có nội dung không trái với các nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự;
– Chỉ áp dụng những phong tục, tập quán đã trở thành thông dụng được đông đảo mọi người sinh sống trên cùng địa bàn, cùng dân tộc, cùng tôn giáo thừa nhận.
– Phong tục, tập quán chỉ được áp dụng trên địa bàn có thói quen xử sự theo tập quán đó
– Tôn trọng sự thoả thuận của đương sự trong việc áp dụng phong tục, tập quán về dân sự.
– Phát huy vai trò của những người đứng đầu cộng đồng (già làng, trưởng bản) hoặc các chức sắc tôn giáo trong việc áp dụng phong tục, tập quán giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
Như vậy, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của người sở hữu, người chiếm hữu hoặc người thứ ba khi họ có lỗi để súc vật gây hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho các cá nhân, tổ chức khác.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!