Quy định về đóng đoàn phí công đoàn theo quy định mới nhất. Mức đóng đoàn phí công đoàn, đối tượng đóng đoàn phí công đoàn.
Quy định về đóng đoàn phí công đoàn theo quy định mới nhất. Mức đóng đoàn phí công đoàn, đối tượng đóng đoàn phí công đoàn.
Công đoàn được hiểu là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động, trong đó Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở đóng vai trò là tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Đây sẽ là cơ quan trực tiếp tiếp nhận và truyền tải những thông tin từ người sử dụng lao động đến với tập thể người lao động cũng như giúp đỡ người lao động giải quyết những vướng mắc hay đơn thư khiếu nại đối với người sử dụng lao động. Cùng với nguồn kinh phí hoạt động được cấp từ người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ đóng đoàn phí công đoàn để duy trì hoạt động của tổ chức.
1. Cơ sở pháp lý.
– Quyết định 1908/QĐ-BLĐ năm 2016 về Quy định quản lý tài chính, tài sản công đoàn; thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành.
2. Nội dung vấn đề.
Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-BLĐ ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn; thu và phân phối nguồn thu của công đoàn và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn quy định về đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí như sau:
* Đối tượng đóng đoàn phí công đoàn và mức đóng tương ứng:
+ Người lao động là đoàn viên ở các công đoàn cơ sở tại cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
+ Người lao động là đòan viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối): mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
+ Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối); Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
Trong đó mức lương thực lĩnh được dùng làm căn cứ tính đoàn phí công đoàn với người lao động là tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên.
Mức đoàn phí công đoàn tính trên mức lương thực nhận có thể được quy định ở mức thu cao hơn 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mở rộng (từ tổ trưởng công đoàn trở lên) đồng ý bằng Nghị quyết, có văn bản và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở. Số tiền đoàn phí công đoàn thu thêm như trên được để lại 100% cho công đoàn cơ sở bổ sung chi hoạt động theo đúng quy định; khi báo cáo quyết toán, công đoàn cơ sở phải tách riêng số tiền đoàn phí công đoàn tăng thêm theo mẫu quy định để có cơ sở tính số phải nộp về cấp trên.
+ Người lao động là đoàn viên công đoàn ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội: đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
+ Người lao động là đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.
Từ những phân tích trên có thể thấy, đoàn phí công đoàn được xác định dựa trên môi trường nơi đoàn viên công đoàn lao động cũng như mức lương thực nhận hoặc mức lương tính làm cơ sở đóng Bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!