Quy định về giành quyền nuôi con khi ly hôn. Chồng gia trưởng, vô tâm, bạo lực vợ muốn đơn phương ly hôn có được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Ly hôn chồng tôi muốn nuôi cả hai con, 1 cháu 5 tuổi, 1 cháu 3 tuổi. Mức lương của tôi 7 triệu/tháng, lương của chồng tôi 3,7 triệu/tháng. Chồng tôi là người gia trưởng, vô tâm, hay chửi vợ, không chăm sóc. hai con từ trước giờ đều do tôi chăm sóc khi đi làm thì nhờ ông bà hai bên. Nhưng trong thời gian sống vợ chồng hay mâu thuẫn và mỗi lần như vậy thi chồng tôi chửi rất cay nghiệt, có lần còn đánh tôi. Luật sư cho hỏi khi ly hôn tôi có được nuôi hai con không?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp luật
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
2. Giải quyết vấn đề
Quyền yêu cầu ly hôn là quyền của mỗi bên vợ hoặc chồng trong quan hệ hôn nhân (ly hôn theo yêu cầu của một bên) hoặc quyền của cả hai vợ chồng (ly hôn thuận tình). Như vậy, nếu bạn và chồng thống nhất được về vấn đề ly hôn, phân chia quyền nuôi con chung và tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì có thể thỏa thuận yêu cầu ly hôn thuận tình. Trường hợp không thống nhất được về một trong những vấn đề trên thì có thể yêu cầu ly hôn theo yêu cầu của một trong hai bên hoặc thuận tình ly hôn nhưng có yêu cầu Tòa án phân chia con chung, tài sản chung.
Để Tòa án thụ lý đơn ly hôn theo yêu cầu của riêng mình, bạn cần có các chứng cứ cho thấy tình trạng hôn nhân của vợ chồng bạn lâm vào tình trạng trầm trọng, có thể thể hiện qua việc sau:
Chồng bạn không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ bạn, hai người sống chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người kia muốn sống ra sao thì sống hay chồng bạn luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ bạn, thường xuyên đánh đập, có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bạn. Dù đã được bà con thân thích hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần nhưng vẫn không chấm dứt những hành vi này.
Để chứng minh sự vô tâm, hay chửi, đánh vợ, không chăm sóc con của chồng bạn, bạn có thể trình cho Tòa án thấy những Biên bản họp gia đình, biên bản hòa giải của chính quyền địa phương hay hình ảnh, clip, ghi âm… về những hành vi này của chồng bạn để Tòa án làm căn cứ giải quyết ly hôn và phân chia quyền nuôi con chung, tài sản chung.
Về quyền nuôi con khi ly hôn, pháp luật có quy định như sau tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, pháp luật trao quyền cho vợ chồng bạn tự thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nếu vợ chồng bạn không tự thỏa thuận được khi Tòa án mới quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con:
– Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Nếu con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Con của bạn một bé 03 tuổi và một bé 05 tuổi nên nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con mà không phụ thuộc vào quyết định của con hay khả năng của người mẹ như con dưới 36 tháng và con trên 07 tuổi nữa. Theo đó, Tòa án sẽ xem xét các khả năng sau của cả bạn và chồng, ai có điều kiện hơn sẽ giao con cho người đó nuôi:
– Điều kiện về kinh tế: Ai có khả năng kinh tế hơn? Như bạn đã đề cập, lương của bạn là 7.000.000 đồng/tháng trong khi chồng bạn chỉ có 3.700.000 đồng/tháng. Xét về tương quan, khả năng kinh tế của bạn đang vượt trội và có ưu thế hơn chồng.
– Điều kiện về sức khỏe: Ai có sức khỏe tốt hơn? Một trong hai bên có ai mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh nan y hay không?
– Điều kiện về giáo dục, phát triển tâm sinh lý của con: Bạn cần chứng minh được việc chồng không hề chăm sóc cho các con từ trước tới giờ, hầu hết thời gian đều do bạn và ông bà chăm sóc hay việc chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình, có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của các bé. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể viện dẫn điều kiện kinh tế của chồng bạn để thể hiện về khả năng cho các bé được đào tạo trong một môi trường văn hóa, thể chất, tinh thần chất lượng cao…
Như vậy, bạn có thể tham khảo những điều kiện trên để đưa ra các chứng cứ trước Tòa án, nếu các điều kiện trên bạn đều có ưu thế hơn chồng thì có thể bạn sẽ giành được quyền nuôi 02 bé.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!