Quy định về hợp đồng vận chuyển mới nhất. Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng vận chuyển. Những lưu ý khi giao kết hợp đồng vận chuyển.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có hai loại hợp đồng vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hành khách và hợp đồng vận chuyển tài sản.
PHẦN I: HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển hành khách
Với sự phát triển của kinh tế và nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân ngày càng tăng lên. Nên hệ thống giao thông cũng được đầu tư, nâng cấp và mật độ phương tiện ngày càng tăng về số lượng như ôtô, xe máy, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay…Nhằm thống nhất quản lý vận tải và bảo đảm các quyền và lợi ích của hành khách, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh. Vì vậy, pháp luật đã có những quy định về hợp đồng vận chuyển hành khách. Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên vận chuyển.
Theo quy định tại Điều 522 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển“.
2. Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách
Theo quy định tại Điều 523 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Có nhiều hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.”
Xét thấy, quy định của pháp luật về hình thức của Hợp đồng vận chuyển khá linh động. Tuy nhiên, trong các văn bản chuyên ngành về ngành nghề kinh doanh vận tải như: Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 64/2014/TT-BGTVT thì lại có quy định khắt khe hơn là Hợp đồng vận chuyển phải được thể hiện bằng văn bản. Vậy nên, các doanh nghiệp lưu ý khi vận tải hành khách cần thiết phải mang theo Hợp đồng bằng văn bản theo hướng dẫn cụt hể tại 2 văn bản trên.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Hợp đồng vận chuyển hành khách mang tính chất chung cho tất cả các loại hình vận chuyển sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác nhau. Các bên có quyền và nghĩa vụ như sau:
* Quyền của bên vận chuyển
Yêu cầu hành khách trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý mang theo người vượt quá mức quy định.
– Từ chối chuyên chở hành khách trong trường hợp sau đây:
+ Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển hoặc có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của bên vận chuyển, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn trong hành trình; trong trường hợp này, hành khách không được trả lại cước phí vận chuyển và phải chịu phạt vi phạm, nếu điều lệ vận chuyển có quy định;
+ Do tình trạng sức khỏe của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ rằng việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc người khác trong hành trình ví dụ hành khách vừa ốm dậy, bị gẫy tay, gẫy chân đi lại khó khăn;
+ Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ví dụ như là người đó đang bị thủy đậu, bệnh cúm H5N1, bệnh H1N1, vi rút ebola, bệnh sars, bệnh cúm A, bệnh lao và các bệnh khác có tính lây lan mạnh từ người qua người, qua không khí..
* Nghĩa vụ của bên vận chuyển
– Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, bằng phương tiện đã thỏa thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho hành khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải.
– Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo quy định của pháp luật cái này có thể thể hiện trên vé đưa cho hành khác để khắc phục đền bù, khi có thiệt hại xáy ra.
– Bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thỏa thuận ghi trên xe hoặc trên lịch trình xe.
– Chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thỏa thuận theo đúng thời gian, lộ trình nhằm đảm bảo việc trả đúng người, đúng người theo thỏa thuận của các bên.
– Hoàn trả cho hành khách cước phí vận chuyển theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật .
* Quyền của hành khách
– Yêu cầu được chuyên chở đúng bằng phương tiện vận chuyển và giá trị theo cước phí vận chuyển với lộ trình đã thỏa thuận.
– Được miễn cước phí vận chuyển đối với hành lý ký gửi và hành lý xách tay trong hạn mức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
– Yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận.
– Nhận lại toàn bộ hoặc một phần cước phí vận chuyển và trường hợp khác do pháp luật quy định hoặc theo thỏa thuận.
– Nhận hành lý tại địa điểm đã thỏa thuận theo đúng thời gian, lộ trình.
– Yêu cầu tạm dừng hành trình trong thời hạn và theo thủ tục do pháp luật quy định.
* Nghĩa vụ của hành khách
– Trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý vượt quá mức quy định và tự bảo quản hành lý mang theo người.
– Có mặt tại điểm xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận đã được thông báo trước đó hoặc có thể thỏa thuận lại theo sự nhất trí của các bên hoặc từ chối theo yêu cầu có lý do chính đáng của các bên.
– Tôn trọng, chấp hành đúng quy định của bên vận chuyển và quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông như không gây gỗ đánh nhau trên xe, không thò đầu ra ngoài cửa sổ hay có hành vi làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông.
4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Nhìn chung các loại phương tiện vận tải đều rất có thể gặp nhiều nguy hiểm, rủi ro khác nhau như tai nạn, trục trặc, hỏng xe…Do đó, trong mọi hợp đồng vận chuyển hành khách, pháp luật luôn có những quy định chủ yếu xoay quanh nghĩa vụ của các bên chủ thể nhằm bảo vệ lợi ích của các chủ thể tham gia vào hợp đồng vận chuyển hành khách khi có thiệt hại xảy ra.
Trên thực tế thì khi có những vi phạm phát sinh trong hợp đồng, bên vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
– Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thỏa thuận, quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.
Như vậy, để một hợp đồng vận chuyển hành khách có hiệu lực pháp luật thì hợp đồng đó phải đảm bảo các điều kiện về các chủ thể, khách thể và nội dung của hợp đồng vận chuyển hành khách.
PHẦN II: HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA
1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển tài sản
Thực tế đời sống hiện nay, nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia hay trong phạm vi quốc gia đang tăng lên, chúng ta không chỉ đơn giản là sản xuất hàng hóa để phục vụ nhu cầu bản thân hay để cung cấp cho một thị trường nhỏ lẻ mà còn là để phục vụ cho nhu cầu của mọi người trên thế giới, hay nói cách khác là để xuất khẩu ra nước ngoài.
Với việc vận chuyển ở khu vực gần và số lượng nhỏ thì chính chủ nhân của các tài sản này có thể tự mình vận chuyển được, tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vận chuyển với số lượng lớn, khoảng cách xa, như trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài thì buộc phải vận chuyển bằng đường thủy hoặc đường hàng không, một số trường hợp có thể mới dùng đến đường bộ và tất nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện để có đủ thời gian, công sức và phương tiện để có thể tự mình vận chuyển tới các địa điểm như vậy. Vì vậy, pháp luật quy định về loại hợp đồng này? Quyền và nghĩa vụ các bên ra sao? Ai là người chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra.
Theo quy định của Điều 530 Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.
2. Hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản
– Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng nhiều hình thức khác nhau có thể giao kết hợp đồng bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
– Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
Trong hợp đồng vận chuyển tài sản, nếu có vận đơn thì vận đơn là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên. Đối tượng của việc vận chuyển tài sản có thể là các động sản như tài sản các loại, gia súc, gia cầm và các loại tài sản khác có thể được vận chuyển bằng các phương tiện giao thông.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Khi các bên thực hiện các giao dịch dân sự trong hợp đồng vận chuyển tài sản thì các bên có quyền và nghĩa vụ như sau:
* Quyền của bên vận chuyển
– Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và đối chiếu xem hàng hóa có đúng với vận đơn, chứng từ mà các bên đã thỏa thuận trước đó .
– Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng như hàng hóa quá cồng kềnh hay không đúng với tài sản mà các bên đã thỏa thuận trước đó giờ lại thay đổi bằng các hàng hóa khác .
– Bên vận chuyển có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận khi đã nhận đủ hàng từ phia bên vận chuyển.
– Bên vận chuyển có thể từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết. Ví dụ như mặt hàng dễ cháy, nổ có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho các bên.
* Nghĩa vụ của bên vận chuyển
– Bên vận chuyển phải bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.Nếu có gì phát sinh thì phải thông báo ngày cho chủ sở hữu tài sản để hạn chế mức thấp nhất về thiệt hại có thể xảy ra.
– Giao tài sản cho người có quyền nhận.Khi đến địa điểm mà các bên có thỏa thuận phải kiểm tra đúng thông tin của người được nhận hàng thì mới giao tài sản cho người nhận hàng.
– Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác ghì trong hợp đồng vận chuyển hoặc đã thỏa thuận trước đó.
– Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật để đề phòng thiệt hại có thể xảy nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.
– Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Hoặc do sự kiện bất khả kháng mà các bên không thể lường trước được.
* Quyền của bên thuê vận chuyển
– Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận. Nếu có thay đổi thì các bên có thể thỏa thuận để thuận lợi nhất cho các bên.
– Bên thuê vận chuyển có thể trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển khi bên thuê vận chuyển không trực tiếp và người thứ ba sẽ được trả thù lao sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
* Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển
– Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận sau khi đã gửi hàng hoặc khi đã nhận hàng từ bên vận chuyển theo sự thỏa thuận của các bên.
Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển như về tình trạng hàng hóa, số lượng hàng hóa, và cách khắc phục.
– Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.
Bên nhận tài sản có thể là bên thuê vận chuyển tài sản hoặc là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản.
– Bên vận chuyển phải giao tài sản đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận. Nếu hàng hóa có bao bì, đóng góp khi vận chuyển. Khi các bên không có thỏa thuận khác thì bên thuê vận chuyển phải chịu chi phí bốc xếp tài sản lên, xuống phương tiện và phải thanh toán các chi phí phát sinh nếu có. Hoặc phải nộp vi phạm theo thỏa thuận.
– Trường hợp tài sản đã được chuyển đến địa điểm giao tài sản đúng thời hạn nhưng không có bên nhận tài sản thì bên vận chuyển có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản. Bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản.
– Nghĩa vụ giao tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ và bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ. Hoặc phải thanh toán các chi phí phát sinh nếu bên vận chuyển phải chờ đợi để nhận hàng.
* Quyền của bên nhận tài sản
– Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến mà bên thuê vận chuyển đã ghi trong vận đơn hay các chừng từ hoặc các tài sản mà các bên đã thỏa thuận trước đó.
– Nhận tài sản được vận chuyển đến khi mà bên vận chuyển thông báo nhận hàng theo quy định mà các bên đã thỏa thuận và trả cước phí vận chuyển nếu đã thỏa thuận với bên thuê vận chuyển nếu có.
– Bên nhận tài sản có quyền yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao nếu do lỗi của bên vận chuyển.
– Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng. Trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn hoặc các bên có thỏa thuận khác.
* Nghĩa vụ của bên nhận tài sản
– Xuất trình cho bên vận chuyển vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận.
– Chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.Nếu đã thỏa thuận với bên thuê vận chuyển trước đó là sẽ chịu chi phí khi nhận tài sản.
– Bên nhận tài sản có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản. khi đã được thông báo để nhận hàng đã được vận chuyển đến địa điểm mà các bên đã thỏa thuận.
– Trường hợp bên nhận tài sản là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định thì phải thông báo cho bên thuê vận chuyển về việc nhận tài sản và thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển.
4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
– Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định.Bên vận chuyển còn được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu xảy ra tình trạng bất khả kháng hoặc do lỗi của bên vận chuyển làm tài sản bị mất mát, hư hỏng, hủy hoại hoặc pháp luật có quy định khác.
– Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển. Nếu tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, đóng gói không đúng quy định, không đúng quy cách kỹ thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
– Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Như có thiên tai, hỏa hoạn, hoặc những trường hợp mà các bẻn không thể lường trước được sẽ xảy ra thiệt hại.
Như vậy, trên thực tế nếu mà người có nhu cầu vận chuyển tài sản sẽ kí hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ vận chuyển tài sản hoặc là người có phương tiện theo các bên thỏa thuận. và hợp đồng vận chuyển tài sản được coi là hoàn thành khi bên vận chuyển đã trả lại tài sản đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm. Nếu không có người nhận tài sản thì hợp đồng được coi là hoàn thành khi bên vận chuyển đã gửi vào nơi gửi giữ bảo đảm số lượng, chất lượng và các điều kiện khác và phải thông báo cho bên thuê vận chuyển hoặc bên nhận tài sản về việc gửi giữ theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!