Quy định về nghỉ hàng năm và chi trả tiền nghỉ hàng năm 2018. Điều kiện để được chi trả nghỉ phép năm. Cách tính tiền nghỉ phép năm và thời điểm chi trả.
Hiện nay, chế độ nghỉ hằng năm là quy định được ghi nhận trong Bộ luật lao động. Hằng năm người lao động được nghỉ phép năm nếu đáp ứng đủ điều kiện theo luật lao động. Nếu không nghỉ phép năm thì người lao động sẽ được hưởng tiền nghỉ phép năm. Tuy nhiên, rất nhiều người lao động không nắm được các quy định nên thường bị thiệt khi không biết đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Vậy điều kiện được nghỉ phép năm? đối tượng nào được hưởng tiền nghỉ phép năm? Tiền nghỉ phép năm được chi trả dựa trên căn cứ nào? Bạn có thể tham khảo các quy định dưới đây:
Thứ nhất, quy định về nghỉ hàng năm.
Căn cứ Điều 111 Bộ luật lao động 2012 quy định đối với người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
+ 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
+ 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Căn cứ tại Điều 112 Bộ luật lao động 2012 quy định ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc quy định cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại Điều 111 nêu trên được tăng thêm tương ứng một ngày.
Như vậy, theo quy định thì người lao động được nghỉ hằng năm phù hợp với quy định của Bộ luật lao động, theo đó người lao động được nghỉ hằng năm sẽ được người sử dụng lao động quy định sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất công việc và môi trường làm việc mà pháp luật quy định cho người lao động được nghỉ 12, 14 hay 16 ngày trong một năm và có thể nghỉ một lần hoặc nhiều lần. Với quy định cứng về thời gian nghỉ đó và nếu người lao động làm việc có thâm niên thì pháp luật quy định cứ năm năm làm việc thì người lao động được nghỉ tăng thêm 1 ngày.
Thứ hai, chi trả tiền nghỉ hằng năm.
Căn cứ tại Điều 114 Bộ luật lao động 2012 những ngày chưa nghỉ hằng năm sẽ được thanh toán tiền lương trong trường hợp người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
Tại Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP quy định về cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ số năm thì được tính như sau:
Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có) chia cho 12 tháng sau đó nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm, kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ lương theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:
– Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
– Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc; ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.
– Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
+ Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm. Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm;
+ Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
– Tiền lương tính trả cho người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của người sử dụng lao động của tháng trước liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
– Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động trong thời gian tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân hoặc bị tạm đình chỉ công việc là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động tạm thời nghỉ việc hoặc bị tạm đình chỉ công việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
– Tiền lương làm căn cứ khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị tại Khoản 1 Điều 130 của Bộ luật Lao động là tiền lương thực tế người lao động nhận được hằng tháng sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định.
Căn cứ theo các quy định trên thì tiền lương nghỉ phép được tính như sau:
Tiền nghỉ phép trong năm = ( Tiền lương làm căn cứ để trả lương phép : Số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề trước khi trả lương phép ) x Số ngày nghỉ phép hằng năm.
Trong đó:
Tiền lương làm căn cứ để trả lương phép được quy định như sau:
+ Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm
+ Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm
+ Đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.
Số ngày nghỉ phép hằng năm được tính như sau:
Số ngày nghỉ phép hằng năm = (Số ngày nghỉ hằng năm + Số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên): 12 x Số tháng làm việc thực tế trong năm.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!