Quy định về thời gian làm thêm giờ trong một tháng tối đa là bao nhiêu? Phạt vi phạm khi người sử dụng không ký kết hợp đồng lao động với người lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Tôi có vấn đề cần luật sư giúp Tôi đang làm việc tại 1 công ty may ở thành phố Tây Ninh. Tôi vào làm việc cho công ty ngày 17.03.2017 đến nay, nhưng tôi không được công ty ký hợp đồng lao động. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên ban giám đốc công ty nhưng chỉ nhận được lời hẹn lần sau. Công ty bắt công nhân phải làm việc liên tục từ 7h30 hôm nay đến 2h sáng hôm sau. Số giờ tăng ca lên đến 70 tiếng 1 tháng. Vậy giờ tôi phải làm sao thưa luật sư? Mong luật sư chỉ giúp, trân trọng cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Hiện nay, lợi dụng mức độ hiểu biết hạn chế về pháp lý của người lao động, người sử dụng lao động đã xâm phạm các quy định của pháp luật về đất đai, ‘bóc lột’ sức lao động của người lao động để kiếm lợi nhuận bất chính. Để giải quyết vấn đề này nói chung và vấn đề bạn đang gặp phải nói riêng chúng tôi lấy tình huống thực tế từ phía bạn để giải đáp một số thắc mắc, giúp người lao động có cái nhìn pháp lý dễ dàng hơn, đảm bảo quyền lợi của mình trong doanh nghiệp, tránh bị những trường hợp xấu, lạm dụng, sai phạm từ phía người sử dụng lao động.
Thứ nhất, bạn có đề cập bạn vào làm việc cho công ty ngày 17/03/2017 đến nay không được công ty ký hợp đồng, bạn cần hỏi rõ lại vấn đề này với công ty của mình. Vì theo quy định tại Điều 15 và khoản 1 Điều 18 Bộ Luật lao động năm 2012 có nêu:
“Điều 15. Hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động
1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
…”
Theo đó, trước khi vào làm việc hai bên cần thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của bên người lao động và bên phía người sử dụng lao động, sau đó đi đến ký kết hợp đồng lao động. Nhưng ở đây bên phía công ty bạn đã vào làm từ ngày 17.03.2017 đến nay chưa được giao kết hợp đồng nào với phía người sử dụng lao động, như vậy vi phạm quy định trên của pháp luật.
Căn cứ quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 31 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
“Điều 31. Vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng
…
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức có một trong các hành vi sau đây:
a) Không ký hợp đồng với người lao động theo quy định”.
Việc công ty không ký hợp đồng lao động với bạn khi nhận bạn vào làm việc là hành vi vi phạm quy định về ký kết hợp đồng và bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Trước tiên bạn xem xét ngoài việc không ký kết hợp đồng bên phía người sử dụng lao động còn vi phạm vấn đề gì với phía bạn hay không? Ví dụ như: không trả lương đầy đủ, không đóng bảo hiểm… Nếu không còn vi phạm gì bạn có thể thỏa thuận với người lao động đề nghị tham gia việc ký kết hợp đồng giữa hai bên, thời hạn ký kết là khi nào. Nếu bên phía người sử dụng lao động không chịu ký kết hay có vi phạm quyền lợi nào khác của phía bạn theo Luật lao động có đề cập bạn có thể làm đơn khiếu nại trực tiếp lên phía Phòng thương binh lao động và xã hội nơi công ty đang đặt trụ sở chính tại đó nhờ giải quyết vấn đề trên.
Thứ hai, việc công ty bắt công nhân phải làm việc từ 7h30 hôm nay đến 2h sáng hôm sau, số giờ tăng ca lên đến 70 tiếng 1 tháng. Việc làm này của công ty bạn có đúng theo quy định của pháp luật hay không? Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 104, Điều 105, và Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012:
“Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
…
Điều 105. Giờ làm việc ban đêm
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”
Như vậy, với quy định trên thời giờ làm việc bình thường là không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Về quy định làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự chấp thuận từ phía người lao động, do đó việc bạn đề cập người sử dụng lao động đã không hỏi ý kiến từ bạn mà quyết định bắt công nhân phải làm việc tăng ca là sai phạm theo quy định trên.
Thêm nữa, quy định có nêu bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng. Vậy, tính cả thời gian tăng ca và thời gian làm việc bình thường là 12 giờ/01 ngày, nhưng ở đây công ty bắt công nhân phải làm việc liên tục từ 7h30 hôm nay đến 2h sáng hôm sau, số giờ tăng ca lên đến 70 tiếng 1 tháng, vượt quá thời gian làm việc theo quy định, xâm phạm vào quyền được thông qua ý kiến của người lao động. Để khắc phục vấn đề bị xâm phạm quyền lợi của công nhân ở đây, bạn có thể làm đơn kiến nghị trực tiếp lên phía bộ phận Công Đoàn của công ty mình, nếu không có bộ phận Công Đoàn bạn có thể nộp đơn khiếu nại gửi đến Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động huyện và Bảo hiểm xã hội huyện.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!