Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Quy định về thời giờ làm việc bình thường, làm thêm giờ, tăng ca vào ban đêm.
Pháp luật quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là một trong những quy định quan trọng của pháp luật lao động. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng nhiều và phổ biến, các vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chủ yếu là vi phạm trong việc tăng thời giờ làm việc, tăng số làm thêm vượt quá mức cho phép,…các hành vi vi phạm này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người lao động. Chính vì vậy, để hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thì bạn có thể tham khảo các quy định dưới đây:
Thời giờ làm việc là khoảng thời gian do pháp luật quy định hoặc do sự thỏa thuận của các bên, trong thời gian đó người lao động phải có mặt tại địa điểm để thực hiện những công việc, nhiệm vụ được giao phù hợp với các quy định của pháp luật và sự thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Thời giờ nghỉ ngơi là khoảng thời gian trong đó người lao động không phải thực hiện những nghĩa vụ lao động và có quyền sử dụng thời gian đó theo ý muốn của mình.
Thứ nhất, thời giờ làm việc bình thường.
Tại Điều 104 Bộ luật lao động quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Trên cơ sở quy định này, các bên sẽ thỏa thuận thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong hợp đồng lao động. Pháp luật quy định thời giờ làm việc ngắn hơn thời giờ làm việc bình thường áp dụng đối với những người làm công việc nặng, nhọc độc, hại nguy hiểm theo danh mục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những người lao động trong những hoàn cảnh đặc biệt như người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại.
Thứ hai, thời giờ làm thêm.
Tại Điều 106 Bộ luật lao động quy định thời giờ làm thêm như sau:
– Không được quá bốn giờ trong một ngày và 200 giờ trong một năm. Thời gian làm thêm trong một ngày không được vượt quá 50% số giờ làm thêm việc được quy định trong mỗi ngày đối với từng công việc;
– Trường hợp làm việc theo hợp đồng tuần thì tổng cộng thời giờ làm bình thường và làm thêm giờ không được quá 12 giờ trong một ngày;
– Trường hợp đặc biệt không được quá 300 giờ trong một năm;
– Trường hợp phải khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, dịch bệnh trong phạm vi doanh nghiệp thì ngươi sử dụng lao động được phép huy động làm thêm giờ vượt quá 4 giờ/ngày và 200 giờ/năm nhưng phải được sự thoả thuận của người lao động.
Thứ ba, thời giờ làm việc ban đêm.
Thời giờ làm việc ban đêm là thời giờ làm việc tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Thứ tư, thời giờ nghỉ ngơi.
1. Nghỉ hàng ngày, nghỉ giữa ca:
Người lao động làm việc 8 giờ liên tục trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ, 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thời giờ làm việc thì được nghỉ ít nhất 30 phút tính vào thời giờ làm việc, người làm theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác. Người làm việc ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút tính vào giờ làm việc.
2. Nghỉ hàng tuần.
– Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục).
– Trường hợp do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần thì phải đảm bảo cho người lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất là 4 ngày.
3. Nghỉ lễ, việc riêng.
– Mỗi năm được nghỉ làm việc 8 ngày và hưởng nguyên lương.
– Người lao động được nghỉ kết hôn, con kết hôn, bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, vợ hoặc chồng chết, con chết.
4. Nghỉ hàng năm:
– 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
– 14 ngày làm việc, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt.
– Cứ năm năm làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được tăng thêm một ngày.
– Có thể thoả thuận để nghỉ hàng năm thành nhiều lần;
– Nếu làm việc ở xa xôi hẻo lánh được gộp số ngày nghỉ hai năm để nghỉ một lần. Hoặc nếu gộp ba năm thì phải được sự đồng ý của người sử dụng lao động.
– Người lao động được trả lương những ngày chưa nghỉ;
– Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được tính toán bằng tiền.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!