Quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế năm 2015. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi thời hiệu khởi kiện đã hết.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào Luật gia. Tôi xin hỏi một việc như sau: Vào tháng 6 năm 2016, mẹ tôi có làm đơn yêu cầu chia thừa kế thửa đất bố tôi để lại, nhưng ông không để lại di chúc. Do bố tôi mất tháng 2 năm 2002 nên tính đến thời điểm đó đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, vì vậy, tòa án huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ không giải quyết, nhưng cũng không trả lại đơn. Nay sau 1 năm họ lại thông báo với tôi là họ thụ lý vụ án này, theo tôi biết thì vẫn là cái đơn khởi kiện họ nhận từ năm trước. Tôi có nghiên cứu luật tố tụng dân sự 2015, thì được biêt tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định sau khoảng 8 ngày nhận đơn kiện thì tòa phải thụ lý hoặc yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn kiện. Theo Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 của luật này thì từ khi yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn kiện sau 1 tháng 15 ngày ( tính cả thời gian gia hạn) thì phải thụ lý vụ án. như vậy tính tổng thời gian kéo dài cũng chỉ tối đa là 2 tháng kể từ khi nhận đơn thì tòa án phải thụ lý vụ án. Vậy tôi xin hỏi TAND huyện Thanh Sơn làm như vậy có phải là đã vi phạm luật tố tụng dân sự?. Phải chăng có động cơ để họ lùi thời gian thụ lý để đợi Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ 1 năm 2017 để kéo có căn cứ chia thừa kế theo thời hiệu mới là 30 năm?. Nếu đúng vậy thì tôi phải kiện vụ việc này đến cấp nào?. Tôi xin nhận được câu trả lời trong thời gian sớm nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý.
– Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011.
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
2. Giải quyết vấn đề.
1. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế tại thời điểm tháng 6 năm 2016.
Căn cứ theo Điều 645 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“ Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế
Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”.
Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là mười năm, kể từ thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, kể từ thời điểm bố bạn mất là tháng 2 năm 2002 đến khi bạn làm đơn yêu cầu chia di sản tháng 6 năm 2016 là 14 năm thì tại thời điểm tháng 6 năm 2016 đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thời kế đối với di sản mà bố bạn để lại.
2. Thủ tục đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Căn cứ vào Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định như sau:
“31. Điều 192 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 192. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;
d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;
đ) Các đương sự đã tự thỏa thuận và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án;
e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng;
g) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
h) Thời hiệu khởi kiện đã hết;
i) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 168 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
k) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu”.
Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, trong vòng 5 ngày Tòa án phải xem xét và quyết định tiến hành thủ tục thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình hay không. Sau khi sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (nếu có) trong thời hạn 45 ngày thì Tòa án công nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo và phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí, trong thời hạn mười lăm người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí, Toà án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.
Vì vậy, khi vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án, thì thời hạn dài nhất là 65 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án. Sau khi thụ lý vụ án khi có căn cứ thời hiệu khởi kiện đã hết như đã phân tích ở trên thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và nếu có yêu cầu thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Toà án phải gửi quyết định đó cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Như trên là trình tự, thủ tục Tòa án phải thực hiện khi nhận được đơn yêu cầu chia di sản của bạn, trong vòng một năm kể từ thời điểm bạn nộp đơn lên Tòa án nhân cấp huyện, bạn không nhận được bất cứ một quyết định thụ lý hay đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nào từ Tòa án và đến nay, Tòa án mới có quyết định thụ lý vụ án là Tòa án đã giải quyết sai về mặt thủ tục tố tụng dân sự trong trường hợp này.
Đến thời điểm này, Tòa án chỉ ra quyết định thụ lý vụ án theo thủ tục chung khi có đơn khởi kiện lại vụ án căn cứ theo Điều 7 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định như sau:
“2. Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không quy định căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, vì vậy, Tòa án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp kể từ ngày 01-01-2012, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại vụ án đó thì Tòa án xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.
3. “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là các trường hợp trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định nhưng đã được quy định trong Nghị quyết này, các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
“Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định trong Nghị quyết này là:
a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết” nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015…”.
Như vậy, nếu có nhu cầu chia di sản thừa kế của ông bạn để lại thì mẹ bạn có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án và Tòa án có nghĩa vụ xem xét thụ lý vụ án, giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với hành vi của người tiến hành tố tụng.
Căn cứ theo Điều 504 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
“ Điều 504. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng
1. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán, Phó Chánh án, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự có thẩm quyền giải quyết.
Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.
2. Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.
Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.
3. Khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.”.
Như vậy, khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán sẽ là người có nhiệm vụ và quyền hạn về xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự và quyết định đình chỉ vụ án dân sự.
Khi có sai phạm về thủ tục tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền của Thẩm phán Tòa án như trong trường hợp này thì bạn có quyền khiếu nại về hành vi của Thẩm phán lên Chánh án Tòa án.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!