Quy định về việc thay đổi nội dung di chúc. Chồng mất để lại di chúc vợ có quyền thay đổi nội dung di chúc của chồng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi bác trai tôi trước lúc mất có viết di chúc cho anh em tôi đất nhà nhưng giờ bác dâu tôi muốn sửa di chúc cho em trai tôi tôi xin hỏi bác dâu tôi có sửa di chúc được không? sổ đỏ đứng mình tên bác trai tôi.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Như bạn đã trình bày, sổ đỏ đất đứng tên bác trai của bạn nhưng cần căn cứ vào thời điểm xác lập tài sản đó để xác định đó là tài sản riêng hay tài sản chung của bác trai bạn với bác gái để giải quyết vấn đề sửa di chúc.
Trường hợp 1: Đất đó là hình thành trước thời kỳ hôn nhân hoặc hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng do bác trai bạn được tặng cho riêng, thừa kế riêng hoặc hình thành từ tài sản riêng của bác bạn thì đó được coi là tài sản riêng của bác trai bạn. Do vậy, căn cứ quy định tại Điều 640 Bộ luật dân sự 2015:
“Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.”
Như vậy, chỉ có người lập di chúc, tức bác trai bạn mới được quyền sửa đổi nội dung di chúc. Ở trường hợp này, bác trai bạn đã mất, do vậy không ai được quyền sửa đổi nội dung di chúc cũng như việc anh em bạn đã được ghi nhận quyền thừa hưởng di sản đối với phần đất do bác trai bạn để lại.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 về người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;”
Theo đó, mặc dù bác trai bạn để lại di chúc cho anh em bạn hưởng di sản thừa kế là phần đất của bác bạn mà không để lại một phần di sản cho bác gái thì căn cứ theo điều luật này, bác gái của bạn vẫn có quyền hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp 2: Trường hợp đây là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân của các bác và không có căn cứ cho thấy nó là tài sản riêng của bác trai thì đây sẽ được xác định là tài sản chung mặc dù chỉ có tên bác trai trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bác trai của bạn chỉ có quyền định đoạt đối với phần sở hữu của mình trong khối tài sản chung là phần đất đó. Theo đó thì 1/2 phần đất thuộc sở hữu của bác trai bạn, bác trai bạn có quyền định đoạt đối với phần này, để lại di chúc cho anh em bạn; 1/2 còn lại thuộc quyền của bác gái bạn.
Ngoài ra, việc để lại đất cho anh em bạn là ý chí chung của cả hai bác vào thời điểm đó, di chúc đó là di chúc chung của hai bác thì việc sửa đổi di chúc chung được thực hiện theo tinh thần của Bộ luật dân sự 2005: Khi vợ muốn sửa đổi di chúc chung thì phải được sự đồng ý của chồng; nếu chồng đã chết thì vợ chỉ có thể sửa đổi di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Do vậy, kể cả đây là di chúc chung thì bác gái cũng chỉ có thể thực hiện được việc sửa đổi phần di chúc liên quan tới phần tài sản của mình; còn phần di chúc liên quan tới phần tài sản của bác trai bạn trong khối tài sản chung không được sửa đổi.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!