Quy trình xử lý hành vi xây dựng ngoài lộ giới. Mức xử phạt về hành vi phạm quy định về trật tự xây dựng.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Công ty Luật Dương Gia Tôi tên Trần Nguyên Vũ, dc: 68/97 TA 32, KP5, P. Thới An, Q 12, TP HCM. Cho tôi hỏi, tôi có xin phép sữa nhà năm 2017, và chúng tôi tổ chức thi công từ tháng 7/ 2017 khi thi công, tôi có xây dựng thêm công trình phụ vượt ranh lộ giới 0,8m , chiều ngang 4m. (mục đích gắn cửa rào chống trộm,) cán bộ địa chính có tới yêu cầu chúng tôi phá vỡ. tôi có đề nghị cho tôi giữ lại để giữ xe và cam kết sẽ tự ý tháo dỡ khi nhà nước làm đường. (trong khi dãi nhà liền kề với nhà tôi ló ngoài đường nhiều hơn nhà tôi hơn 1mét), Nhưng Cán bộ địa chính không đồng ý, bắt tôi phải đập bỏ, họ rất nhiều lần ngăn cản chúng tôi sữa nhà và trong quá trình thi công, hiện công trình đã thi công hơn 4 tháng nhưng chưa hoàn thành. Ngày 5/1/ 2018 tôi có thuê 3 thợ đến sơn và dán gạch, chống dột, để hoàn thiện. Cán bộ địa chính tiếp tục đến ngăn cản trong khi một thợ hồ hoàn thiện cổng rào dán gạch (0,8 x 4m… ló ra lộ giới.) , khi cán bộ đến, thợ hồ không thi công và tháo dỡ dàn giáo cất vào bên trong. khoản 30 phút sau, 2 cán bộ địa chính tự ý mở cửa nhà tôi đi sâu vào trong nhà gây áp lực và ép buộc người nhà của tôi bàn giao tài sản của tôi là dàn giáo, và bắti kí biên bản kiểm tra công trình xây dựng và tịch thu thêm dàn giáo, đang sử dụng để chống dột. (khi tôi đi làm vắng nhà) Cho tôi hỏi: 1. Cán bộ địa chính tịch thu dụng cụ thi công ảnh hưởng đến công việc của thợ, của chúng tôi vậy đúng hay sai? 2. Nếu tôi vi phạm xây dựng ngoài lộ giới họ chỉ thu dụng cụ tại vị trí sai, 3. Vậy tại sao thu giữ dụng cụ thi công chống dột bên trong nhà? 4. Họ tự ý vào nhà và tịch thu dụng cụ mà không có bất cứ giấy tờ điều động, buộc cưỡng chế cuả UBNN Phường, Quận vậy đúng hay sai? 5. Họ làm như thế có vi phạm chổ ở của công dân không? 5. Chúng tôi làm sau để họ trả lại dụng cụ thi công cho chúng tôi?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
2. Nội dung tư vấn:
Xây dựng, sửa chữa nhà là một trong những nhu cầu chính đáng của người dân khi họ muốn cải thiện chỗ ở của mình, tuy nhiên vì nhiều lý do như diện tích xây dựng hạn hẹp mà nhu cầu muốn mở rộng một phần diện tích nhà ở mà một số người đã có hành vi xâm lấn ra đường công cộng, xây dựng trên lộ giới mà không lường trước được hậu quả pháp lý đối với hành vi của mình. Trường hợp của bạn là một ví dụ. Để giải quyết trường hợp này, cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, xem xét về hành vi xây dựng tường rào – công trình hàng rào lấn chiếm lộ giới đường giao thông của bạn.
Trước hết, theo thông tin, bạn xin giấy phép sửa chữa nhà vào năm 2017, và tiến hành thi công từ tháng 7/2017. Khi thi công, bên bạn đã có xây dựng thêm công trình phụ vượt ranh lộ giới 0,8 m, chiều ngang 4 m với mục đích chống trộm.
Có thể thấy, trường hợp này, mặc dù đây là công trình phụ – cổng rào dán gạch, không gắn với nhà ở đã được xây dựng, nên không bị coi là vi phạm giấy phép xây dựng, giấy phép sửa chữa nhà đã được cấp, và việc xây dựng hàng rào theo quy định của Luật xây dựng năm 2014 cũng không thuộc trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng, tuy nhiên, việc xây dựng công trình này đang lấn, chiếm một phần lộ giới (với diện tích 0,8 m x 4 m).
Hiện nay, trong quy định của pháp luật không có quy định trực tiếp về khái niệm lộ giới. Tuy nhiên, có thể hiểu, lộ giới, là tên gọi thường dùng của khái niệm “chỉ giới đường đỏ” được dùng trong quy định của Luật xây dựng. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 3 Luật xây dựng năm 2014 có quy định.
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
5. Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.”
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật xây dựng năm 2014 được trích dẫn ở trên thì phần đất thuộc lộ giới được xác định là phần đất thuộc phạm vi hành lang đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác. Lộ giới được xác định là khu vực đã có quy hoạch xây dựng.
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, khi tổ chức thi công công trình, bên bạn đã tự xây dựng thêm công trình phụ lấn ra lộ giới một khoảng diện tích rộng 0,8 m, dài 4 m. Khi cán bộ địa chính đến kiểm tra yêu cầu bạn tháo dỡ phần công trình lấn chiếm lộ giới, gia đình bạn có đề nghị được giữ lại và cam kết sẽ tháo dỡ khi Nhà nước làm đường, nên có thể hiểu hiện tại phần lộ giới mà bạn đang lấn chiếm đang thuộc quy hoạch xây dựng đường giao thông, quy hoạch hành lang an toàn giao thông.
Mặc dù mục đích của bạn khi xây dựng chỉ là để gắn cửa rào chống trộm, tuy nhiên, hành vi này đã vi phạm chỉ giới xây dựng, lấn chiếm phần diện tích thuộc quy hoạch hành lang đường giao thông. Trường hợp này, hành vi của bạn đã vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 12 Luật xây dựng năm 2014.
Trường hợp này, với hành vi xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng, lấn chiếm phần lộ giới đường, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP:
“Điều 15. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng.
…
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt;
b) Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng;
c) Xây dựng công trình sai cốt xây dựng;
d) Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này);
đ) Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
…
11. Biện pháp khắc phục hậu quả:
…
d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.”
Căn cứ theo quy định tại khoản 7, khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP được trích dẫn ở trên thì khi có hành vi xây dựng tường rào – công trình phụ lấn ra khu vực lộ giới (một phần diện tích 0,8 m x 4 m) thì bạn sẽ bị xử phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng và bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm, tức là tháo dỡ phần tường rào đã xây dựng mà lấn chiếm lộ giới quy hoạch đường giao thông.
Thứ hai, xem xét về hành vi của cán bộ địa chính cấp xã.
Theo thông tin, khi phát hiện hành vi vi phạm của bên bạn, thì cán bộ địa chính có tới yêu cầu gia đình bạn phá dỡ. Gia đình bạn đã đề nghị được giữ lại phần công trình này và cam kết tự ý phá dỡ khi Nhà nước làm đường nhưng không được đồng ý. Cán bộ địa chính nhiều lần ngăn cản, yêu cầu bạn đập bỏ. Ngày 5/1/ 2018, khi đang thi công công trình lấn chiếm lộ giới, thì cán bộ địa chính tới, thợ hồ đã ngừng thi công và tháo dỡ giàn giáo để cất vào bên trong. Khoảng 30 phút sau, hai cán bộ địa chính đã tự ý mở cửa nhà bạn, đi sâu vào trong nhà gây áp lực, buộc người nhà của bạn bàn giao tài sản là giàn giáo, bắt ký biên bản kiểm tra công trình xây dựng và tịch thu thêm những giàn giáo khác đang sử dụng để chống dột, trong khi bạn vắng nhà.
Có thể thấy, trong trường hợp của bạn, như đã phân tích, việc xây dựng hàng rào – công trình phụ chống trộm của bạn đang vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng, có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP, nên những công cụ, dụng cụ như giàn giáo được sử dụng để xây dựng công trình trái phép nêu trên đều được xác định là những công cụ, tang vật vi phạm hành chính.
Những công cụ, tang vật này có thể bị tạm giữ trong những trường hợp thật sự cần thiết theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:
– Việc tạm giữ những công cụ, phương tiện vi phạm hành chính để nhằm xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ không có căn cứ để ra quyết định xử phạt.
– Việc tạm giữ những công cụ, phương tiện vi phạm hành chính để nhằm mục đích ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
– Việc tạm giữ nhằm mục đích để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt hành chính của người vi phạm hành chính.
Trong trường hợp cụ thể của bạn, cán bộ địa chính phát hiện việc xây dựng công trình phụ xâm lấn lộ giới quy hoạch đường giao thông khi những người thợ hồ của bạn đang trực tiếp thực hiện việc thi công xây dựng công trình trái phép này. Mặc dù khi phát hiện có cán bộ địa chính đến, họ đã ngừng thi công và cất các công cụ như giàn giáo dùng để xây dựng vào nhà, nhưng những công cụ như giàn giáo này vẫn được xác định là công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp của bạn, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì việc tạm giữ những công cụ này không chỉ nhằm xác minh tình tiết vi phạm mà còn nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn việc những người thợ của bạn tiếp tục sử dụng để thi công công trình xây dựng lấn chiếm lộ giới này.
Tuy nhiên, tại khoản 3, 5, 9 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng có quy định:
“Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
… 3. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
…5. Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.
…9. Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản.”
Xem xét trong trường hợp cụ thể của bạn, người đã thực hiện hành vi tạm giữ công cụ, phương tiện giàn giáo – công cụ để bên bạn thực hiện việc xây dựng công trình phụ xâm lấn lộ giới là cán bộ địa chính cấp xã. Mà nếu căn cứ vào quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì cán bộ địa chính cấp xã không được xác định là người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nên căn cứ theo khoản 3 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cán bộ địa chính cấp xã không được quyền tịch thu tang vật, công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Điều đó có nghĩa cán bộ địa chính cấp xã không có quyền tịch thu giàn giáo – công cụ mà các bạn sử dụng để xây dựng công trình xâm lấn lộ giới.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5, khoản 9 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được trích dẫn ở trên thì việc tạm giữ công cụ, phương tiện, vi phạm hành chính thì phải có quyết định tạm giữ bằng văn bản về việc tạm giữ, kèm theo biên bản tạm giữ có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm. Trường hợp người vi phạm vắng mặt phải có chữ ký của hai người làm chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của bạn, theo thông tin cung cấp, cán bộ địa chính phường tịch thu dụng cụ, công cụ thi công khi chỉ có biên bản kiểm tra công trình xây dựng, nhưng không có văn bản hay quyết định gì về việc tạm giữ công cụ, dụng cụ vi phạm hành chính, nên trường hợp này, cán bộ địa chính đang có hành vi vi phạm quy định về việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Đồng thời, theo thông tin, cán bộ địa chính tự ý mở cửa nhà bạn, đi sâu vào trong nhà gây áp lực và ép buộc người nhà của bạn bàn giao tài sản là giàn giáo, tịch thu thêm một số giàn giáo chống dột trong nhà. Mặc dù không rõ quy trình thực hiện của cán bộ địa chính như thế nào, tuy nhiên, nếu đây là hành vi khám nơi cất giấu tang vật, công cụ vi phạm hành chính thì theo quy định tại Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, việc khám xét này chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, công cụ vi phạm hành chính. Khi khám xét chỗ ở – nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính thì cần có sự đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Khi khám xét nơi cất giấu công cụ vi phạm hành chính thì phải có mặt của người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên đi vắng thì phải có đại diện chính quyền và hai người chứng kiến. Việc khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản, giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của bạn, mặc dù việc thợ thi công của bạn tự mang giàn giáo vào nhà của bạn khi bị cán bộ địa chính phát hiện về việc thi công công trình xây dựng trái phép, xâm phạm lộ giới, cho thấy hoàn toàn có cơ sở về việc nhà ở của bạn là nơi cất giấu công cụ vi phạm hành chính (ở đây là giàn giáo). Tuy nhiên, việc cán bộ địa chính tự ý vào sâu trong nhà bạn, khám xét mà không có sự đồng ý của người nhà bạn, cũng không có văn bản hay quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc khám xét, nên căn cứ theo quy định tại Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, hành vi của hai cán bộ địa chính đang vi phạm pháp luật.
Từ những phân tích ở trên, có thể xác định, hành vi tịch thu tang vật, công cụ vi phạm hành chính (mà ở đây là giàn giáo), và tự ý khám xét nhà ở của bạn của cán bộ địa chính cấp xã đang thực hiện trái quy định của pháp luật được quy định tại Điều 129, 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Như vậy, qua phân tích nêu trên, việc bạn xây dựng công trình phụ – hàng rào chống trộm xâm lấn phần đất dành cho lộ giới quy hoạch đường giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, nên bạn sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ phần công trình vi phạm. Tuy nhiên, việc cán bộ địa chính cấp xã tự tịch thu, tạm giữ tang vật là giàn giáo khi không có quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền, không có biên bản tạm giữ và tự ý xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với hành vi này của cán bộ địa chính cấp xã, bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên Ủy ban nhân dân cấp xã để được giải quyết.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!