Quyền của người đại diện theo pháp luật trong công ty cổ phần. Những hợp đồng, giao dịch cần có sự đồng ý của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần.
Tóm tắt câu hỏi:
Nếu trong điều lệ công ty cổ phần không quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì người đại diện theo pháp luật có quyền gì?
Khi người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác thực hiện ký kết các giao dịch hợp đồng cũng như các giao dịch với Ngân hàng thì có phải có sự đồng ý của hội đồng quản trị không hay chỉ cần người đại điện theo pháp luật ủy quyền là đủ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Khoản 1 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về những nội dung chủ yếu trong Điều lệ công ty, trong đó quy định quyền và nghĩa vụ của thành viên của công ty cổ phần chứ không yêu cầu phải quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật mà chỉ cần nêu người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.
Căn cứ khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần được quy định như sau:
“2. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.”
– Đối với Công ty cổ phần chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là đại diện theo pháp luật;
– Đối với Công ty cổ phần chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật mà Điều lệ không quy định khác: Chủ tịch Hội đồng quản trị là đại diện theo pháp luật;
– Đối với Công ty cổ phần có 2 người đại diện trở lên: Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là đại diện theo pháp luật đương nhiên.
– Điều lệ quy định.
Do đó, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần sẽ tùy thuộc theo chức danh của người đại diện đó trong công ty. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 có nghĩa vụ như sau:
“Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Vì vậy, ngay cả khi Điều lệ không quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật thì người đại diện theo pháp luật cũng đương nhiên có nghĩa vụ và quyền thực hiện những công việc quy định tại Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 và có trách nhiệm quy định tại Điều 14, cụ thể:
– Trung thực, cẩn trọng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao;
– Trung thành với lợi ích doanh nghiệp, không tư lợi cá nhân hoặc phục vụ lợi ích tổ chức, cá nhân khác bằng việc sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp hoặc lạm dụng chức vụ, địa vi hoặc sử dụng tài sản của doanh nghiệp;
– Có nghĩa vụ thông báo đầy đủ, chính xác và kịp thời nếu họ hoặc người liên quan làm chủ, có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
– Chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này.”
Tùy thuộc vào nội dung cũng như chủ thể mà người đại diện theo pháp luật ký kết để xem xét xem nó có cần sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị hay không. Cụ thể, Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định những hợp đồng, giao dịch phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị:
“Điều 162. Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận
1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:
a) Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;
b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;
c) Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 159 Luật này.
2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.(…)
3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này.(…).”
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật doanh nghiệp của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp tại văn phòng, tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!