Quyền lợi của người lao động ở Liên Xô cũ trở về nước năm 1992. Quy định về điều kiện được hưởng đối với người lao động ở Liên Xô cũ trở về nước.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn hỏi về việc.chi trả quyền lợi cho chúng tôi đã hết hạn hợp đồng lao động tai Liên xô cũ đi ngày 7/12/1988. Về nước năm 1992. Có đây đủ giấy tờ, quyết định về nước từ phía Liên Xô. (một số người cùng đi đã được lĩnh tiền). Xin hỏi tai sao chúng tôi không được thông báo. Và không công khai thông báo? Số tiền (quyền lợi) đó là gì? Chúng tôi đã lên gặp trực tiếp cục quản lí lao động VN tai nước ngoài. Ở 41B Lý Thái Tổ đều trả lời quyền lợi của chúng tôi đã được cuc quản lí lao động trả về từng nơi cư trú. (tình Quảng Ninh) Vậy tai sao chúng tôi không nhận được gì và không có thông báo Vậy luật sư cho tôi hỏi nói riêng và mọi người cùng đi lao động ngày đó nói chung được rõ ràng! Xin trân trọng cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
Thông tư liên bộ số 24/LB–TT năm 1994
Luật tố tụng hành chính năm 2015
2. Giải quyết vấn đề
Để xác định tính chính xác về quyền lợi của bác thì bác cần xin quyết định hay thông báo về việc đã trả quyền lợi của bác về nơi cư trú tại Cục quản lý lao động ngoài nước ở địa chỉ 41B Lý Thái Tổ. Sau đó, bác khi xin được quyết định thì bác về đối chiếu ngay tại địa phương. Khi đó, cơ quan tại địa phương sẽ ra quyết định hành chính mà quyết định này ảnh hưởng đến quyền lợi của bác thì bác có quyền khiếu nại quyết định hành chính đó hoặc khởi kiện ra tòa án. Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật khiếu nại 2011:
“Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”
Thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được quyết định hành chính căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính 2015:
“2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;”
Thời điểm xảy ra vụ việc là năm 1992 nên sẽ áp dụng luật tại thời điểm này. Tại Điều 1 Thông tư liên bộ số 12/LB-TT năm 1992, đối tượng được hưởng chế độ với người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài về nước được quy định cụ thể bao gồm:
- Những người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Hiệp định Chính phủ về nước, kể cả những người đi làm đội trưởng, phiên dịch, cán bộ vùng do nước ngoài trả lương;
- Những người đi thực tập sinh sản xuất hoặc vừa học vừa làm, học nghề sau đó chuyển sang hợp tác lao động;
- Những người đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp tác trực tiếp giữa các Bộ, địa phương của Nhà nước ta với các tổ chức kinh tế nước ngoài
Nếu bác và những người bạn của mình thuộc đối tượng nêu trên thì bác sẽ được hưởng chế độ thôi việc. Về chế độ và cách tính trợ cấp thôi việc sẽ quy định cụ thể tại Khoản 4 Mục 1 Thông tư liên bộ số 24/LB-TT năm 1994:
Căn cứ nội dung công văn số 4086/KTTH ngày 27 tháng 7 năm 1994 của Văn phòng Chính phủ, nay quy định như sau:
“Đối với những người trước khi đi lao động ở nước ngoài là công nhân, viên chức Nhà nước, lực lượng vũ trang đã hưởng trợ cấp thôi việc phục viên, xuất ngũ và những người là lao động xã hội thì chỉ giải quyết trợ cấp cho những năm làm việc ở nước ngoài theo nguyên tắc mỗi năm làm việc ở nước ngoài (kể cả 3 tháng chờ việc sau khi về nước) được hưởng 1 tháng trợ cấp theo mức như sau:
Lương cấp bậc theo Quyết định 202/HĐBT công nhân cơ khí bậc 2/7 + trượt giá 125% (26.795 đ/tháng + 33.494 đ/tháng) x 3 lần = 180.866đ
Tính tròn là 180.000đ
Đối với những người là công nhân viên chức Nhà nước và những người là Công an nhân dân (kể cả nhân viên ngành Công an) chưa hưởng trợ cấp thôi việc hoặc phục viên xuát ngũ trước khi đi lao động ở nước ngoài thì được tính trợ cấp thôi việc cho 2 giai đoạn làm việc như sau:
+ Thời gian làm việc ở trong nước: Cứ mỗi năm công tác được hưởng 1 tháng lương cơ bản (cấp bậc hoặc chức vụ theo Quyết định 202, 203/HĐBT) trước khi đi lao động hợp tác ở nước ngoài, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực theo Nghị định 235/HĐBT (nếu có), trợ cấp trượt giá (125% lương cơ bản theo Quyết định số 202, 203/HĐBT); tiền bù giá điện, tiền nhà và trợ cấp tiền học.
– Tiền bù giá điện tính theo nhóm mức lương quy định tại Thông tư số 04/TT-LB ngày 28/2/1992 của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Tài chính.
– Tiền nhà ở tính theo nhóm mức lương quy định tại Thông tư số 27/TT-LB ngày 31/12/1992 của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Tài chính – Xây dựng hướng dẫn Quyết định 118/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ trưởng Chính phủ.
– Trợ cấp tiền học thực hiện theo Thông tư số 26/TT-LB ngày 31/12/1992 của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Tài chính hướng dẫn Quyết định 117/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ.
– Thời gian làm việc ở nước ngoài (kể cả 3 tháng chờ việc sau khi về nước): cứ mỗi năm công tác được hưởng 1 tháng trợ cấp theo mức như sau:
Tiền lương cơ bản theo QĐ số 202, 203/HĐBT và trợ cấp trượt giá 125% lương cơ bản theo QĐ 202,203/HĐBT x 3 lần
Mức điều chỉnh này thay thế các khoản phụ cấp của chế độ tiền lương cũ và trợ cấp học nghề (240.000đ) đối với CNVC khu vực HCSN đi lao động hợp tác ở nước ngoài về nước. Về thời gian để tính trợ cấp: nếu lẻ từ 1 đến 6 tháng công tác thì được tính hưởng 0,5 tháng trợ cấp, nếu lẻ từ 7-12 tháng công tác, thì được tính hưởng 1 tháng trợ cấp.”
Vậy với 1 năm công tác bác sẽ được hưởng 1 tháng trợ cấp thôi việc. Thông tư này ban hành từ năm 1994 nên đến nay cách tính tiền trợ cấp thôi việc không còn phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản thay thế cách tính trợ cấp thôi việc cho người Việt Nam đi làm việc tại Liên Xô trở về nước năm 1992. Hồ sơ thủ tục để hưởng trợ cấp thôi việc bao gồm:
- Bản chính hồ sơ gốc về quá trình làm việc trước khi đi lao động ở nước ngoài (nếu có);
- Đơn đề nghị hưởng chế độ thôi việc (mẫu số 1 kèm theo);
- Bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định” chuyển trả do Cục Hợp tác Quốc tế về lao động cấp.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!