Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi của người mẹ khi ly hôn. Các điều kiện cần đáp ứng khi giành quyền nuôi con
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn hỏi khi ly hôn con cái dưới 36 tháng được ưu tiên cho người mẹ cần đủ những điều kiện nào ạ. Hiện tại chồng tôi lm nhà nước, tôi chủ 1 shop thời trang nữ nhưng lại đang sử dụng giấy phép kinh doanh của người khác, người chủ cũ của shop này tôi đã mất liên lạc. Vây,tôi phải làm như thế nào để dành đc quyền nuôi con ( con tôi hiện nay là 17 tháng). Cảm ơn luật sư rất nhiều ạ!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
2. Giải quyết vấn đề
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn được quy định chung tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1.Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Như vậy, với con dưới 36 tháng tuổi mẹ được ưu tiên quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục
Nhưng sự ưu tiên này không phải quyền tuyệt đối, trong những trường hợp nhất định, người bố sẽ có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi nếu mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng tuổi. Mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con là mẹ không đáp ứng đủ một hoặc cả hai điều kiện sau:
+) Điều kiện về vật chất: Khi xem xét đến yếu tố kinh tế để công nhận quyền nuôi con cho bạn Tòa án sẽ xem xét đến mức thu nhập bình quân một tháng của bạn. Mức độ ổn định của nghề nghiệp, nếu như bạn có mức thu nhập rất tốt nhưng nguồn thu nhập đó lại được tạo ra từ công việc bất hợp pháp, hoặc nghề nghiệp có rủi ro kinh tế cao thì Tòa án cũng chưa chắc công nhận quyền nuôi con.
Theo đó tòa án sẽ xét thu nhập, tài sản, chỗ ở của bạn có đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập của con
+) Điều kiện về tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước tới nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn…của bạn.
Ví dụ tòa án sẽ xem xét đến cách giáo dục con cái, lối sống, quan hệ của bạn đối với gia đình, xã hội. Nếu bạn thường xuyên đánh đập con cái, sống không chan hòa với làng xóm thì chắc chắn Tòa án sẽ không công nhận quyền nuôi con cho bạn
Như vậy nếu bạn đáp ứng được hai trường hợp trên, thì pháp luật vẫn ưu tiên bạn sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn.
Theo đó, bạn chỉ cần chứng minh được ngoài điều kiện về tinh thần, bạn có việc làm và tạo ra thu nhập để đảm bảo về điều kiện vật chất cho cả hai mẹ con thì bạn sẽ có quyền nuôi con mà không cần chứng minh cửa hàng kinh doanh có đứng tên mình hay không.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!