Vơ cũ không cho cha đón đi chơi có đúng không? Quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho con về thăm quê nội Thưa AD em và vợ cũ đã ly hôn và bên gia đình nhà vợ em có ác cảm với gia đình nhà em và có nhiều lần ngăn cản gia đình em thăm nuôi cháu . Em cũng đã nhờ cơ quan pháp luật có thẩm quyền can thiệp rồi và đã được thăm con bình thường . Câu hỏi em đặt ra là muốn đưa con trai em về nội chơi nhưng hiện tại con em mới được 13 tháng tuổi thì em có được phép cho con về nội chơi không . Và phải làm thế nào . Vì vợ trước của em cô ta tính trẻ con chấp vặt và ích kỷ và mẹ cô ta nữa . Nên em mới hỏi AD xem làm như thế nào để cho con về nội chơi . Em cũng được biết con có quyền về chơi nhà nội vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật nhưng không biết ở độ tuổi của con em có được làm thế không ạ .
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Giải quyết vấn đề
Rất nhiều người hiện nay có quan niệm là sau khi ly hôn thì mặc nhiên hai vợ chồng sẽ không còn liên quan gì với nhau nữa kể cả con cái mà quên mất rằng quan hệ cha mẹ, con là quan hệ huyết thống không bao giờ chấm dứt bằng một hệ thống pháp luật nào cả, nên thường dẫn đến các trường hợp tranh chấp về chăm sóc và nuôi dưỡng con sau ly hôn.
Như thông tin trình bày, sau khi ly hôn, Tòa án quyết định giao con cho vợ cũ bạn chăm sóc và nuôi dưỡng. Vì bạn không phải là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu nên bạn có quyền thăm nom con sau khi ly hôn.Theo quy định của pháp luật hiện hành có quy định về việc đảm bảo việc thăm nom con của bạn , theo đó không ai được cản trở bạn thực hiện quyền này. Tuy nhiên, bạn không được làm dụng quyền thăm nom con để cản trở hoặc gây khó khăn cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc cháu bé.
Căn cứ theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Do đó, theo quy định trên nếu việc thăm nom đó không cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến quyền và nghĩa vụ của vợ cũ bạn thì không ai được phép cản trở và cấm bạn thăm nom, chăm sóc và bạn cũng có quyền đưa con về bên nội chơi.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật việc thăm nom, chăm sóc con vừa là quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Cho nên việc vợ cũ của bạn ngăn cản bạn chăm sóc đón con về bên nội nếu bạn không bị hạn chế quyền thăm nom theo quyết định của tòa án là vi phạm quy định của pháp luật. Nếu vợ cũ và gia đình vợ còn có hành vi ngăn cản quyền thăm nom của bạn thì bạn có thể gửi đơn lên ủy ban nhân dân cấp xã để can thiệp đảm bảo quyền lợi của bạn theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!