Quyền yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật. Dì khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông ngoại để lại có được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tóm tắt câu hỏi: Xin chào Luật Sư! Gia đình cháu có một chuyện liên quan đến vấn đề đất đai, mong luật sư giải đáp thắc mắc giúp. Xin cảm ơn Luật sư. Cha tôi có mua 5.000m2 đất vào năm 1985 và 5.000m2 mua vào năm 1992 cha tôi đúng tên quyền sở hữu đất từ đó đến nay. Còn mẹ thì đứng tên mua đất và chủ hộ. Ông ngoại có chung hộ khẩu với dì, nhưng mẹ cha tôi chăm sóc vào năm 2009 ông mất. Vào tháng 9 năm nay các dì khởi kiện nói đất này của ông đòi gia đình tôi phải chia. Vậy xin hỏi luật sư: Gia đình tôi có chia đất đai cho mấy dì không? Khởi kiện ra gia đình tôi có thắng không?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật thừa kế – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Nội dung tư vấn:
Hiện nay tranh chấp về việc phân chia thừa kế đất đai là một trong những tranh chấp phổ biến khi một người đã chết mà để lại tài sản của họ là những tài sản có giá trị lớn như đất đai, nhà ở. Vụ việc của gia đình bạn cũng là một trường hợp như vậy. Trường hợp này, để giải quyết vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc xác định về tài sản tranh chấp.
Trước hết, theo thông tin, tài sản mà những người dì của bạn – con của ông ngoại bạn đang khẳng định là thuộc về ông ngoại bạn và đang muốn phân chia thừa kế sau khi ông ngoại bạn mất được xác định là diện tích đất mà gia đình bạn đang sử dụng. Diện tích đất này được xác định gồm 5.000 m2 đất được mua vào năm 1985, và 5.000 m2 đất mua vào năm 1992. Hiện tại cả hai mảnh đất đều do cha bạn đứng tên quyền sở hữu đất, nghĩa là cả hai mảnh đất này đều do cha bạn đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mẹ bạn đứng tên mua đất và là chủ hộ.
Có thể thấy, trong nội dung thông tin không nói rõ, mặc dù cha của bạn đứng tên trên giấy chứng nhận nhưng nội dung thể hiện thông tin về người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi như thế nào, ghi tên của cá nhân, như Ông Nguyễn Văn A hay ghi Hộ ông Nguyễn Văn A. Bởi căn cứ theo quy định tại Điều 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì:
“Điều 3: Giải thích từ ngữ
…
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Căn cứ theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 được trích dẫn ở trên, thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những giấy tờ quan trọng xác định quyền sở hữu hợp pháp của chủ sử dụng đất, nên việc ghi nhận tên của người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những căn cứ quan trọng xác định mảnh đất này thuộc về ai, xác định chủ thể có quyền đối với mảnh đất này. Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT cho thấy sự khác nhau khi xác định về chủ thể có quyền sử dụng đất hợp pháp tùy thuộc vào việc ghi thông tin người sử dụng đất, cụ thể như sau:
– Trường hợp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh và các thông tin cá nhân khác của người sử dụng đất, ví dụ như Ông Nguyễn Văn A, thì tài sản này được xác định là tài sản của cá nhân người sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên một cá nhân, là tên cha của bạn thì tài sản này cũng có thể được xác định là tài sản chung của vợ chồng do một người đại diện đứng tên. Bởi căn cứ theo quy định tại Điều 26, Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì vợ, chồng có thể đại diện cho nhau trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung, có thể đại diện đứng tên một người. Trường hợp này, tài sản này đứng tên một mình cha của bạn nhưng nếu tài sản này được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, và nguồn gốc tạo lập tài sản không phải được tặng cho riêng hay được thừa kế riêng thì tài sản này vẫn được xác định là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Trong trường hợp này, tài sản này có thể là tài sản riêng của bố bạn hoặc là tài sản chung của bố và mẹ bạn. Ông ngoại của bạn (cha của mẹ bạn) không phải là chủ sở hữu tài sản là quyền sử dụng đối với mảnh đất này, và không liên quan đến mảnh đất này.
– Trường hợp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”) sau đó ghi họ tên, năm sinh và các thông tin cá nhân khác của người sử dụng đất, ví dụ như Hộ ông Nguyễn Văn A thì tài sản này được xác định là tài sản thuộc về hộ gia đình sử dụng đất. Trong đó, theo quy định tại khoản 29 Điều 4 Luật đất đai năm 2013 thì:
“Điều 3: Giải thích từ ngữ
…29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”
Căn cứ theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 được trích dẫn ở trên, ông ngoại của bạn sẽ được xác định là có một phần quyền sử dụng đất hợp pháp đối với mảnh đất này khi ông ngoại của bạn có sống chung, và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế, ông ngoại của bạn tuy có chung hộ khẩu với dì, nhưng có quan hệ huyết thống với mẹ bạn, và sống cùng và được cha mẹ bạn chăm sóc đến khi ông mất. Tuy nhiên, trong thông tin, bạn không nói rõ thời điểm ông đến chung sống cùng gia đình, sử dụng chung trên phần đất này là từ khi nào, là trước khi gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 1992) hay sau khi gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa thể xác định chính xác việc ông bạn có là thành viên hộ gia đình sử dụng đất đối với mảnh đất này hay không, nên chưa xác định được quyền sở hữu của ông bạn trong mảnh đất này.
Từ những phân tích nêu trên, do thông tin không nói rõ thông tin, nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định tài sản đang tranh chấp hiện tại đang thuộc về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất hợp pháp của ai. Từ đó, xác định về việc ông ngoại của bạn có quyền đối với mảnh đất này hay không.
Thứ hai, về việc các dì – các người con của ông ngoại của bạn đang khởi kiện muốn đòi, yêu cầu phân chia quyền sử dụng đất đối với mảnh đất mà gia đình bạn đang sử dụng khi ông ngoại chết.
Theo thông tin, ông ngoại của bạn mặc dù có chung hộ khẩu với dì của bạn, nhưng lại trực tiếp chung sống và được chăm sóc bởi bố mẹ bạn. Năm 2009 ông ngoại của bạn mất. Tháng 9/2018, các dì khởi kiện nói đất này là của ông và yêu cầu khởi kiện phân chia di sản thừa kế của ông.
Có thể thấy, để xác định các dì có thể yêu cầu phân chia tài sản của ông ngoại sau khi ông ngoại mất thì cần xác định chính xác di sản thừa kế của ông. Bởi căn cứ theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự năm 2005 – văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ông ngoại của bạn mất (năm 2005) thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người khác. Do vậy, ông ngoại của bạn có quyền để lại tài sản là di sản thừa kế của mình sau khi chết cho những người thừa kế. Trong đó, di sản thừa kế được quy định tại Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể:
“Điều 634. Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 631, 634 Bộ luật dân sự năm 2005 được trích dẫn ở trên thì khi ông ngoại của bạn chết đi thì chỉ có những tài sản thuộc quyền sở hữu của ông ngoại bạn mới được xác định là di sản thừa kế và được đưa ra để phân chia thừa kế cho những người thừa kế. Những tài sản được xác định là di sản thừa kế của ông ngoại bạn gồm tài sản riêng của ông ngoại bạn và phần tài sản thuộc về ông ngoại bạn trong khối tài sản chung với người khác.
Tuy nhiên, như đã phân tích, mảnh đất mà các dì đang tranh chấp, đòi yêu cầu phân chia thừa kế của ông, cũng là mảnh đất mà bố của bạn đang đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể được xác định là mảnh đất thuộc về quyền sử dụng đất hợp pháp, quyền sở hữu riêng của bố bạn hoặc thuộc sở hữu chung của vợ chồng hoặc là tài sản của hộ gia đình, tùy thuộc về nguồn gốc, cách thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Nhưng, trong thực tế, theo thông tin, nguồn gốc mua bán đất mảnh đất này đều do bố hoặc mẹ bạn thực hiện giao dịch mà không có sự tham gia của ông ngoại. Mặc dù ông ngoại cũng ở chung với bố mẹ của bạn trên phần đất này nhưng lại không có tên trong hộ khẩu, cũng không nói rõ, nội dung thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi như thế nào.
Do vậy, trường hợp này, nếu mảnh đất này được xác định là tài sản riêng của bố bạn hoặc tài sản chung của bố mẹ bạn thì khi ông ngoại chết đi, thì tài sản này cũng không bị phân chia vì đây không phải là tài sản thừa kế do ông ngoại để lại.
Nếu mảnh đất này được xác định là tài sản chung của hộ gia đình mà ông bạn cũng là một thành viên của hộ gia đình sử dụng đất thì trong mảnh đất này vẫn có một phần tài sản thuộc về ông ngoại của bạn, và phần tài sản này sẽ được xác định là di sản thừa kế do ông ngoại bạn để lại. Bởi theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 thì hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Trường hợp này, phần quyền sử dụng đất thuộc về ông ngoại bạn trong mảnh đất mà gia đình bạn đang sử dụng sẽ được xác định là di sản thừa kế, được đưa ra phân chia thừa kế.
Khi ông ngoại của bạn có để lại di sản thừa kế để lại mà ông ngoại bạn chết đi vào năm 2009, không để lại di chúc thì căn cứ theo quy định tại Điều 675, 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, phần tài sản là quyền sử dụng đất thuộc về ông ngoại bạn sẽ được đưa ra để phân chia thừa kế theo pháp luật thành các phần bằng nhau cho những người thuộc hàng thừa kế của ông ngoại bạn mà trước hết là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Trường hợp này, mẹ bạn và các dì là những người con của ông ngoại bạn – người để lại di sản nên họ có quyền khởi kiện để yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Mặc dù ông bạn chết vào năm 2009, theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu phân chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế – thời điểm ông ngoại của bạn chết mà tính đến thời điểm hiện tại (năm 2018) mới chỉ có 09 năm, nên vẫn chưa hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Do vậy, các dì – con đẻ của ông ngoại của ông vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ông ngoại đối với mảnh đất mà gia đình bạn đang sử dụng nếu trong mảnh đất này có một phần quyền sử dụng đất thuộc về ông ngoại bạn.
Như vậy, qua phân tích ở trên, tùy vào từng trường hợp, các dì của bạn có thể được phân chia đối với một phần quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này thuộc về ông ngoại của bạn. Do thông tin chỉ nói rằng bố bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không nói rõ mảnh đất này là của hộ gia đình, của cá nhân hay của vợ chồng bố mẹ bạn. Do vậy, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định. Mảnh đất này chỉ được thực hiện việc phân chia thừa kế khi đây là mảnh đất thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình mà ông bạn là thành viên hộ gia đình sử dụng đất.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật thừa kế của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn luật thừa kế, tranh chấp thừa kế qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật thừa kế, tranh chấp thừa kế trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!