Sa thải trái pháp luật có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Người sử dụng lao động buộc thôi việc, cho nghỉ việc trái quy định pháp luật.
Sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất mà pháp luật cho phép người sử dụng lao động được quyền áp dụng đối với người có hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều người sử dụng lao động lợi dụng vấn đề đó để sa thải người lao động trái pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử lao động. Nên theo Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2018 quy định trường hợp người sử dụng lao động buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy pháp luật hình sự quy định cụ thể vấn đề này như thế nào?
Căn cứ tại Điều 126 Bộ luật lao động 2012 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong các trường hợp sau:
– Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
– Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật lao động 2012.
– Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm:
+ Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;
+ Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định thì người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải với người lao động khi người lao động có những hành vi nêu trên. Trong trường hợp người sử dụng lao động ra quyết định sa thải trái pháp luật người lao động thì người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ thực hiện theo Điều 42 Bộ luật lao động 2012.
Bên cạnh đó, theo Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực ngày 01/01/2018 người sử dụng lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 162 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật.
Theo đó pháp luật quy định người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức: Đây là các đối tượng đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khi ra quyết định sa thải với các đối tượng này cần phải tuân thủ các trường hợp sa thải theo Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức.
+ Hành vi sa thải trái pháp luật đối với người lao động: Người sử dụng lao động không tuân thủ đúng các trường hợp ra quyết định sa thải theo quy định tại Bộ luật lao động 2012.
+ Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc:
Người sử dụng lao động có hành vi cưỡng ép, đe dọa về mặt tinh thần ép buộc họ phải tự chủ động xin thôi việc. Ví dụ: Điều chuyển họ sang công việc khác trái với công việc ký hợp đồng lao động, Điều chuyển sang công việc khác có mức lương thấp hơn,….
– Hậu quả của hành vi: Trước đây, tại Bộ luật hình sự 1999 quy định hậu quả của hành vi này là “hậu quả nghiêm trọng” tuy nhiên không có một văn bản nào hướng dẫn “hậu quả nghiêm trọng” được hiểu là gì? Như thế nào là hậu quả nghiêm trọng? Do vậy, việc xác định hậu quả thường do các ý chí chủ quan của từng cá nhân. Đây là một vấn đề gây tranh cãi trong áp dụng pháp luật. Đến thời điểm Bộ luật hình sự 2015 ra đời và có hiệu lực ngày 01/01/2018 thì hậu quả là làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công. Không còn xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà chỉ phụ thuộc vào việc họ bị lâm vào tình trạng hoặc dẫn đến đình công. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật cũng chưa có bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn, giải thích rõ “lâm vào tình trạng khó khăn” được hiểu như thế nào? Do vậy, việc xác định hậu quả cũng sẽ mang tính chất quan điểm, không đồng nhất.
– Chủ thể thực hiện là người có thẩm quyền, chức vụ quyền hạn trong việc xử lý kỷ luật người lao động, cán bộ, công chức, viên chức.
– Hình phạt khi thực hiện hành vi này theo khoản 1, Điều 162 Bộ luật hình sự 2015 có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 triệu đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm khi có hành vi ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.
Tại khoản 2, Điều 162 Bộ luật hình sự 2015 thì có thể bị phạt tiền 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với trường hợp đối với 02 người trở lên; đối với phụ nữ mà biết là có thai; đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát; người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!