Sai năm sinh trên chứng minh nhân dân phải làm thế nào? Thẻ căn cước công dân có thể thay thế chứng minh nhân dân không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi có vấn đề sau nhờ luật sư tư vấn: Bà tôi sinh năm 1940, là vợ liệt sỹ. Sổ hộ khẩu của bà tôi có ghi bà tôi sinh năm 1940, còn chứng minh thư nhân dân của bà tôi lại ghi sinh năm 1945. Bà tôi ko có giấy khai sinh. Bây giờ bà tôi muốn làm lại chứng minh thư theo năm 1940. vì bà tôi thực tế sinh năm 1940, và các giấy tờ như: thẻ BHYT, Thẻ hội viên người cao tuổi, đều ghi sinh năm 1940. Vậy thủ tục làm lại chứng minh thư như thế nào? và nếu ko có chúng minh thư thì khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế hay khi giải quyết việc gì sau này có thể thay thế bằng giấy tờ nào khác được ko? Rất mong đc luật sư tư vấn. Cảm ơn lật sư rất nhiều!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13);
– Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC
2. Giải quyết vấn đề:
Việc bà bạn không có giấy khai sinh tức bà bạn chưa từng đăng ký khai sinh thì trong trường hợp sổ hộ tịch vẫn còn thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cấp bản sao Giấy khai sinh cho bà bạn. Nếu Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì bà bạn có thể nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan như sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế,… để đăng ký lại khai sinh căn cứ theo Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký lại khai sinh:
“1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
2. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.”
Sau khi đăng ký lại khai sinh, bà bạn làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân căn cứ Khoản 2, 5 và 6 mục II Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) như sau:
+ Hồ sơ đổi Chứng minh nhân dân bao gồm:
– Đơn trình bày: lý do đổi Chứng minh nhân dân có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
– Xuất trình hộ khẩu thường trú;
– Xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi năm sinh;
– Chụp ảnh;
– Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;
– Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và Chứng minh nhân dân;
– Nôp lại Chứng minh nhân dân cũ để lưu chung với hồ sơ.
Sau khi nộp hồ sơ và lệ phí tại Công an cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì sau 15 ngày(ở thành phố, thị xã) và trong thời hạn 30 ngày (ở các địa bàn khác) tính từ ngày làm xong thủ tục thì bà bạn sẽ được trả lại Chứng minh nhân dân mới với năm sinh đã điều chỉnh.
Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định về thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:
“1. Người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.”
Theo đó, mẹ bạn không cần chứng minh nhân dân để đi khám nếu thẻ bảo hiểm y tế có ảnh, còn trường hợp không có ảnh thì ngoài chứng minh nhân dân, mẹ bạn có thể sử dụng giấy tờ chứng minh về nhân thân khác như giấy khai sinh.
Theo quy định hiện hành bà bạn cũng có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân để có thể chứng minh về giấy tờ nhân thân.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!