Sổ bảo hiểm bị sai số chứng minh nhân có cần phải cấp đổi lại không? Thủ tục đính chính lại thông tin trên sổ bảo hiểm khi bị sai.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật Sư ! xin cho tôi hỏi, hôm nay tôi có đi rút BHXH 1 lần nhưng sổ BHXH của tôi bị sai số CMND họ nói số CMND sai nên không rút được, kêu tôi phải đi đổi lại sổ cho đúng. Nhưng theo tôi biết được trên mạng sai số CMND không cần phải đổi lại sổ vẫn có thể giải quyết được. Xin hỏi Luật Sư tôi có cần phải đổi lại sổ không, và phải giải quyết như thế nào mới rút được BHXH
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
2.Giải quyết vấn đề
Các trường hợp phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội được quy định tại Khoản 2 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:
“Điều 29. Cấp sổ BHXH
1.Cấp mới: Đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2.Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH: không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết.
3.Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
4.Xác nhận sổ BHXH: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định”
Theo đó, bạn sẽ phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội khi thay đổi những thông tin và số sổ, họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch. Ngoài ra, những thông tin khác thay đổi thì sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ. Vì vậy, khi số chứng minh nhân dân thay đổi thì sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mà vẫn đảm bảo quyền lợi của bạn. Như vậy cũng có nghĩa là bạn vẫn nhận được bảo hiểm xã hội một lần khi đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 như sau:
“1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần”.
Như vậy, khi số chứng minh nhân dân thay đổi thì bạn sẽ không phải làm thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Các quyền lợi về bảo hiểm xã hội của bạn vẫn được đảm bảo, kể cả quyền lợi về bảo hiểm xã hội một lần khi bạn đủ điều kiện hưởng.
Về hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần:
Bạn cần chuẩn hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau theo quy định tại điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
– Sổ bảo hiểm xã hội
– Đơn đề nghị hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội 1 lần
– Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú để đối chiếu.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!