Sử dụng giấy tờ giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự trong trường hợp nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Luật sư cho hỏi: Hành vi sử dụng giấy tờ xe ô tô các loại (Giấy Đăng ký, giấy đăng kiểm, tem kiểm định…) giả xe xe ô tô quân sự để lưu hành nhưng không dùng để vận chuyển, buôn bán hàng cấm, buôn lậu… thì bị xử lý như thế nào? Trong trường hợp này người lái xe và chủ xe có bị truy cứu Trách nhiệm hình sự hay không? Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thẩm quyền thuộc cơ quan nào giải quyết? (Cơ quan ĐTHS Quân đội hay Cơ quan Điều tra trong CAND). Xin cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
2. Giải quyết vấn đề
Như bạn có trình bày là có sử dụng giấy tờ ô tô như giấy đăng ký xe giả, giấy đăng kiểm giả, tem kiểm định giả để lưu hành thì bị xử lý như thế nào?
Trường hợp thứ nhất về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi bạn sử dụng Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp căn cứ. Theo quy định tại Điểm đ Khoản 5 Điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt về xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như sau:
“5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Sử dụng Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc); sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường bị tẩy xóa;”
Trường hợp thứ hai về tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức căn cứ theo quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
“Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”
Yếu tố cấu thành của tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức căn cứ như sau:
Mặt khách quan của tội phạm:
Theo quy định của điều luật có hai dạng hành vi khách quan được coi là hành vi phạm tội của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức:
– Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là hành vi của người làm ra con dấu, tài liệu, giấy tờ giả sau đó sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả sau đó sử dụng giấy tờ tài liệu này để lừa đối cơ quan, tổ chức…hoặc là hành vi của người tuy không làm ra nhưng không biết rõ con dấu, tài liệu, giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng nhằm lừa dối cơ quan tổ chức hoặc công dân để mưu lợi cá nhân.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Chủ thể của tội phạm:
Cấu thành tội phạm của tội này chỉ đòi hỏi người phạm tội là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
Hình phạt:
Tùy theo mức độ thì hình phạt thì có các khung hình phạt khác nhau vi phạm theo quy định như sau:
Tại Khoản 1, Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 khung cơ bản mức phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tại Khoản 2, Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 bị phạt tù từ hai năm đến năm năm khung hình phạt này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết như:
-) Có tổ chức;
-) Phạm tội nhiều lần;
-) Gây hậu quả nghiêm trọng;
-) Tái phạm nguy hiểm.
Tại Khoản 3, Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
Hình phạt bổ sung được quy định cho tội này còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Theo Khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định:
“Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự”.
Theo quy định Điều 3, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 có những quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự những vụ án hình sự mà bị cáo là:
– Quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý;
– Những người không thuộc các đối tượng quy định trên mà phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội.
Vì bạn không nêu rõ người sử dụng giấy tờ giả là ai, bạn cũng không trình bày rõ người sử dụng giấy tờ giả vô ý hay cố ý nên bạn có thể tham khảo quy định nêu trên để xác định trường hợp của mình.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!